Toàn sàn HoSE có 225 mã tăng (26 mã trần), trong khi số mã giảm là 167 mã (3 mã giảm sàn).
TPB đóng góp lớn nhất cho đà tăng của chỉ số chính với 0,36 điểm. Ở chiều ngược lại, VHM tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số chính khi lấy đi của Vn-Index 1,48 điểm.
Phiên này, cổ phiếu SKV của CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa tiếp tục tăng mạnh 5,23%, lên 32.200 đồng/cổ phiếu, lên mức cao nhất trong vòng 18 tháng kể từ tháng 11/2021. Nếu so với đáy hồi đầu tháng 10 năm ngoái, thị giá SKV đã tăng hơn 35%.
SKV từng được biết đến với đà tăng thẳng đứng chỉ trong 1 tuần giao dịch tuần cuối tháng 10/2021 và “lao dốc” ngay sau đó. Thị giá cổ phiếu quay về mức giá cũ nhanh chóng chỉ trong 1 tháng và đi ngang kể từ đó đến nay.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến động khá mạnh kể từ đầu năm, cổ phiếu SKV trở lại thiết lập đà tăng một mạch kể từ hồi tháng 10 năm ngoái.
SKV ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan
Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của SKV thiết lập kỷ lục mới, ghi nhận gần 103 tỷ đồng, cao hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ trong quý đầu năm 2023, SKV đã ghi nhận được hơn 620 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đem lại gần 30 tỷ đồng, cao hơn 4 tỷ so với quý 1/2022. Với kết quả này, công ty sản xuất nước yến trên đã hoàn thành 29% cả về mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế.
Mới đây nhất, SKV thông báo ngày 7/6 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền năm 2022 với tỷ lệ 29,8%. Dự kiến thời gian chi trả vào ngày 16/6 tới.
Đây cũng là tỷ lệ cổ tức cao nhất của SKV kể từ lần đầu chào sàn UPCoM vào năm 2017. Lượng cổ phiếu đang lưu hành là 23 triệu đơn vị, do đó, SKV sẽ phải chi khoảng 68,5 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.