Báo chí là ‘bà đỡ’ cho đổi mới và phát triển giáo dục

18/11/2023, 15:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Báo chí không chỉ đồng hành, phản biện và phát hiện, mà còn là 'bà đỡ' cho đổi mới và phát triển giáo dục.

Năm nay, nhiều tác phẩm đã khai thác những vấn đề hết sức quan trọng nhưng ít được truyền thông quan tâm như: giáo dục mầm non, lĩnh vực khoa học cơ bản, xóa mù chữ, văn hóa đọc, giáo dục truyền thống, nhóm đề tài về sự hỗ trợ của cộng đồng, bất cập trong công tác quản lý.

Bên cạnh đó, các tác phẩm ca ngợi về thầy trò, những tấm gương thầy cô, nhà trường có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục.

Tại Lễ trao giải, Bộ trưởng hoan nghênh, ghi nhận và gửi lời cảm ơn chân thành đến các phóng viên, nhà báo nói riêng và cơ quan báo chí trên cả nước nói chung.

“Các nhà báo cho xã hội, chúng tôi thêm một góc nhìn mới về những gì đã, đang và sẽ diễn ra đối với Giáo dục” – Bộ trưởng ghi nhận.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và một số tác giả đạt giải Báo chí
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và một số tác giả đạt giải Báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2023.

Bộ trưởng nhìn nhận, phía sau mỗi tác phẩm là sự nỗ lực, tìm tòi, là mồ hôi, công sức của những người làm báo. Có những nhà báo gắn bó nhiều năm với giáo dục và có nhiều tác phẩm tham dự giải. Qua đó thể hiện tình yêu nghề, sự hiểu sâu về giáo dục; trên hết là tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục.

Trong số các tác phẩm đạt giải, không chỉ năm nay mà từ nhiều năm trước, có nhiều tác phẩm viết về nghề giáo và thầy, cô giáo. Đây là đặc điểm, đặc trưng của Giải và cũng là nét đẹp đáng trân trọng thể hiện truyền thống “tôn sự trọng đạo” đã được phản ánh qua các tác phẩm báo chí.

Sự tôn nghiêm của nghề giáo và đội ngũ nhà giáo thể hiện qua sự ngay ngắn của ngôi trường, văn hóa học đường, rộng hơn là của nền giáo dục đất nước. Trước tác động của kinh tế thị trường, của những tiêu cực trong giai đoạn phát triển hiện nay, sự tôn nghiêm này đang có phần biến động.

Báo chí có vai trò quan trọng trong việc củng cố và khẳng định vị thế, sự tôn nghiêm của nghề giáo trong xã hội thông qua thông tin tuyên truyền, khách quan, đầy đủ, nhân rộng những tấm gương, câu chuyện tích cực, ý nghĩa quyết liệt và bảo vệ đến cùng những thông tin chưa đúng về nghề giáo và đội ngũ giáo viên.

Theo Bộ trưởng, báo chí không chỉ là người đồng hành, phản biện và phát hiện mà còn là “bà đỡ” cho đổi mới và phát triển giáo dục, với sự tham dự, thấu hiểu một cách toàn diện, đầy đủ các góc nhìn, cung bậc rất đa dạng, sự ấm áp tươi tắn của giáo dục đang diễn ra.

Giáo dục có tác động tới mọi người, mọi nhà nên luôn nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Mọi thông tin liên quan đến giáo dục luôn có sức hút với dư luận. Sự hỗ trợ và đồng hành của báo chí giúp cho người dân hiểu đầy đủ hơn về những chủ trương, chính sách lớn mà ngành giáo dục đang triển khai trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Báo chí chính là cầu nối để xã hội hiểu hơn về giáo dục, nghề giáo và các thầy cô giáo. Báo chí cũng là diễn đàn để các nhà giáo chia sẻ, tin tưởng và đồng hành nhiều hơn với giáo dục. Thông tin phản biện, góp ý xây dựng của báo chí cũng là nguồn thông tin quan trọng để các cấp quản lý, nghiên cứu, tham khảo, điều chỉnh các vấn đề chính sách.

Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại và ông Phạm Tiến Toàn - Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT trao giải cho các tác giả đạt giải Khuyến khích.
Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại và ông Phạm Tiến Toàn - Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT trao giải cho các tác giả đạt giải Khuyến khích.

“Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” cũng là dịp để tri ân và tôn vinh những tác phẩm đặc sắc viết về giáo dục, vinh danh những tác giả luôn âm thầm, dõi theo từng bước đi của Giáo dục theo cách riêng của các nhà báo” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tuyên bố phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024. Ban tổ chức sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan báo chí, các phóng viên nhà báo, để Giải ngày càng uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống lâu bền.

Qua 5 năm tổ chức, đã có gần 4.000 tác phẩm tham dự. Trong đó, 251 tác phẩm được lựa chọn để trao giải; gồm có 20 giải A (giải Nhất), 40 giải B (giải Nhì), 59 giải C (giải Ba) và 132 giải Khuyến khích. 5 tác phẩm xuất sắc nhất được trao giải Đặc biệt. Qua mỗi năm, Ban tổ chức lại lựa chọn được những Gương mặt nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải. Đó là những con số biết nói và cũng là điểm nhấn qua mỗi mùa Giải.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bao-chi-la-ba-do-cho-doi-moi-va-phat-trien-giao-duc-post661595.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bao-chi-la-ba-do-cho-doi-moi-va-phat-trien-giao-duc-post661595.html
Bài liên quan
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mọi 'đột phá' muốn thành công đều bắt đầu từ nguồn nhân lực
Trên hành trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bước sang năm 2025, ngành Giáo dục tiếp tục có nhiều nhiệm vụ lớn phải làm. Đây cũng là năm khởi đầu tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo chí là ‘bà đỡ’ cho đổi mới và phát triển giáo dục