Bảo đảm bền vững nguồn lực 'bác sĩ giáo dục'

Hiếu Nguyễn | 15/03/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để công tác kiểm định chất lượng hiệu quả thì bảo đảm số lượng và nhất là chất lượng đội ngũ kiểm định viên giữ vai trò quan trọng hàng đầu...

Thay đổi cách tiếp cận

Nghề kiểm định viên trong giáo dục được ví như "bác sĩ giáo dục". Là một kiểm định viên, PGS.TS Phạm Thị Hương, Trường ĐHSP TPHCM cho biết: Hiện nay Việt Nam đã yêu cầu điều kiện tham gia các khóa đào tạo kiểm định viên. Ai đáp ứng thì đăng ký, thi và được cấp chứng chỉ/thẻ. Số lượng đào tạo kiểm định viên, theo quan sát của PGS Phạm Thị Hương khá nhiều, nhưng số người tham gia các đoàn đánh giá ngoài lại không nhiều.

“Tại Hoa Kỳ, các trung tâm kiểm định (độc lập) không được phép tham gia các đoàn đánh giá ngoài. Kiểm định viên phải là người của cơ sở giáo dục, còn đang công tác trong ngành và có thể tham gia các đoàn đánh giá trong vòng 2 năm sau khi về hưu. Họ được mời tham gia đánh giá các tiêu chí và tiêu chuẩn theo kinh nghiệm, chuyên môn công tác. Các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam cũng đang dần tiệm cận đến vấn đề này.

Tuy nhiên, vì có thể chưa có quy hoạch nên số lượng kiểm định viên chuyên về các chương trình đào tạo không nhiều, chưa đủ đa dạng để có thể đánh giá được chuyên môn sâu từng chương trình đào tạo. Chưa có nhiều kiểm định viên chuyên về tài chính, thư viện…”, PGS.TS Phạm Thị Hương nhận định.

Còn theo TS Phạm Thị Tuyết Nhung, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế), đối với đội ngũ kiểm định viên, quá trình đào tạo cần xem xét “quy hoạch” để tránh trường hợp vừa thừa, vừa thiếu. Kiểm định viên tham gia đánh giá cơ sở giáo dục cần hiểu biết về quản lý, tài chính, bảo đảm chất lượng, thì đội ngũ đào tạo kiểm định cần xem xét lĩnh vực chuyên môn của người được đào tạo. Chương trình đào tạo kiểm định viên cũng cần thay đổi cách tiếp cận.

Bảo đảm bền vững nguồn lực 'bác sĩ giáo dục' ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Phương Đông. Ảnh: Thế Đại

“Để học lớp kiểm định viên của Hoa Kỳ, các ứng viên đều phải có kinh nghiệm tham gia quá trình viết báo cáo kiểm định. Các lớp tập huấn được các trung tâm kiểm định tổ chức hàng năm và có mất phí. Chỉ khi nào các ứng viên có nhiều kinh nghiệm và được đào tạo liên quan đến kiểm định thì mới bắt đầu ứng tuyển vào vị trí kiểm định viên. Vì vậy, lớp kiểm định viên chỉ tập trung vào phần thực hành và phân nhóm để viết báo cáo, phản biện”.

TS Phạm Thị Tuyết Nhung chia sẻ và cho rằng, lớp tập huấn kiểm định viên là cơ hội để các ứng viên thực hành và áp dụng chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, lớp kiểm định viên của Việt Nam hiện nay, cả phần lý thuyết và thực hành được triển khai trong vòng 7 ngày. Nhiều người tham gia có kiến thức còn hạn chế về bảo đảm và kiểm định chất lượng, nên khó có thể “tiêu hóa” kiến thức lý thuyết 3 ngày đầu để áp dụng vào phần thực hành 3 ngày sau của quá trình tập huấn.

“Nếu ta thay đổi cách tiếp cận đào tạo kiểm định viên thì hy vọng sẽ có đội ngũ chất lượng hơn trong tương lai. Đồng thời, cần có chính sách quy định cụ thể về quyền được tham gia đoàn đánh giá sau khi hoàn thành lớp tập huấn và số lần tối đa có thể tham gia các đoàn đánh giá ngoài hàng năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các kiểm định viên mới thì chỉ tham gia 1 hoặc 2 đoàn/năm. Sau thời gian có kinh nghiệm sẽ tăng số lượng, nhưng không thể quá 5 đoàn/năm bởi họ phải làm việc toàn thời gian tại các cơ sở giáo dục”, TS Phạm Thị Tuyết Nhung nêu quan điểm.

Bảo đảm bền vững nguồn lực 'bác sĩ giáo dục' ảnh 2

Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội khai giảng Khóa đào tạo Kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm đợt 3 năm 2022. Ảnh: INT

Cần nhiều thời gian, nguồn lực

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Nguồn nhân lực là thành phần quan trọng của bất kỳ hệ thống kiểm định chất lượng nào. Việc bảo đảm chất lượng hiệu quả phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ cán bộ chuyên môn có năng lực trong cơ quan đảm bảo chất lượng quốc gia, tổ chức kiểm định chất lượng và sự sẵn sàng tham gia công tác bảo đảm chất lượng của các giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học.

Kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục phải là người thực hiện được mục tiêu kép: Vừa đáp ứng tốt yêu cầu đánh giá theo đúng quy định của bộ tiêu chuẩn; vừa có khả năng khuyến nghị, định hướng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng các trường được kiểm định.

Để công tác đảm bảo, kiểm định chất lượng ngày càng có hiệu quả thì số lượng và nhất là chất lượng đội ngũ kiểm định viên giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Vì vậy, PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho rằng, cần hoạch định giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và bảo đảm số lượng kiểm định viên đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc gia và tiệm cận quốc tế.

Cụ thể: Bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức của cơ quan quản lý Nhà nước làm công tác xây dựng chính sách về bảo đảm và kiểm định chất lượng. Bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm định viên theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, bảo đảm có đủ số lượng, năng lực để triển khai hoạt động kiểm định chất lượng.

Định kỳ tổ chức sát hạch cấp thẻ kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục hằng năm. Tổ chức các khóa đào tạo/tập huấn trong nước, có sự tham gia các đối tác quốc tế uy tín nhằm học hỏi kinh nghiệm và tiệm cận với các tiêu chuẩn kiểm định viên quốc tế.

“Để thực hiện các giải pháp này cần nhiều thời gian, nguồn lực và tất cả các chủ thể liên quan như cơ quan quản lý Nhà nước, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học đều phải xây dựng kế hoạch chiến lược thực hiện”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.

Theo TS Phạm Thị Tuyết Nhung, cần phân biệt giữa kiểm định viên chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục, vì bộ tiêu chuẩn và yêu cầu chuyên sâu đều khác. Kiểm định viên cơ sở giáo dục cần am hiểu về hệ thống, quản trị; trong khi kiểm định viên chương trình đào tạo tập trung nhiều vào đánh giá một chương trình đào tạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo đảm bền vững nguồn lực 'bác sĩ giáo dục'