Giáo dục

Bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học

10/05/2024 11:55

Hơn 56 nghìn chứng chỉ của Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) được Thanh tra Bộ GD&ĐT xác định cấp sai quy định.

Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi người học, Bộ khẳng định, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ tiếp tục được sử dụng.

Hơn 550 đợt thi

Cụ thể, Kết luận số 18/KL-TTr ngày 24/4/2024 về việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) nêu:

Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 9/9/2022, chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định, Công ty TNHH Giáo dục IDP đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 46.643 chứng chỉ. Thời gian này, Công ty TNHH Giáo dục IDP đã tổ chức 458 đợt thi tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và 28 tỉnh, thành phố khác.

Từ ngày 10/9/2022 đến ngày 16/11/2022, chưa được phép tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, Công ty TNHH Giáo dục IDP đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 9.587 chứng chỉ.

Giai đoạn này, công ty đã tổ chức 97 đợt thi tại Cần Thơ, Đắk Lắk, Tiền Giang, Vũng Tàu, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Bình Dương, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh…

Kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ kỳ thi ngày 15/9/2022 tại Tiền Giang: Sở GD&ĐT Tiền Giang có Công văn số 1314/SGDĐT-GDTrH-GDTX ngày 12/9/2022 cho phép công ty phối hợp tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS, có Biên bản giám sát Hội đồng thi cấp chứng chỉ IELTS. Tại các địa phương khác, sở GD&ĐT không có công văn đồng ý để công ty phối hợp tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS trên địa bàn.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2023. Ảnh minh họa: ITN
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2023. Ảnh minh họa: ITN

Người học không có lỗi

Liên quan đến thông tin trên, ông Lê Quang Trí – Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết, sở đã báo cáo với Tỉnh ủy, UBND về việc tổ chức kỳ thi cấp chứng chỉ IELTS trên địa bàn. Toàn tỉnh có 224 thí sinh được cấp chứng chỉ IELTS do Công ty TNHH Giáo dục IDP liên kết tổ chức thi vào tháng 9/2022.

Theo ông Lê Quang Trí, học sinh, sinh viên không có lỗi nên việc đầu tiên phải bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các em. Theo đó, nên công nhận các chứng chỉ được cấp trong thời gian trên, bởi về mặt chất lượng của chứng chỉ vẫn bảo đảm, có chăng là sai sót về quy trình, thủ tục tổ chức thi của phía công ty. Do vậy, sai ở đâu thì xử lý ở đó và không nên hủy bỏ toàn bộ kết quả các đợt thi.

Trong năm 2021, 2022, Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh có sử dụng chứng chỉ IELTS do Công ty TNHH Giáo dục IDP cấp để xét tuyển đầu vào. TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng cho hay, tuy không nhiều nhưng có thí sinh sử dụng chứng chỉ này để “ứng tuyển” và đang là sinh viên của trường. Học sinh, sinh viên không có lỗi nên việc công nhận chứng chỉ này hợp tình, hợp lý. Nhà trường sẽ tiếp nhận các ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và cơ quan hữu quan khác để triển khai các bước tiếp theo, tinh thần là bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học.

Trường hợp cần thiết, nếu phải kiểm tra, rà soát lại, Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, TS Thái Doãn Thanh trao đổi. Nếu cần, nhà trường hoàn toàn đủ điều kiện để có thể tổ chức thi sát hạch, cấp chứng chỉ với sinh viên có chứng chỉ nêu trên. Tuy nhiên, theo TS Thái Doãn Thanh, việc này không cần thiết. Để không ảnh hưởng tới quyền lợi người được cấp chứng chỉ, việc cho phép cơ sở đào tạo, người học tiếp tục sử dụng chứng chỉ này để học tập, tuyển sinh là phù hợp và chính đáng.

Thời gian này, cô Nguyễn Ly Nga – giáo viên tiếng Anh Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội) tập trung dạy ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do vậy, khi biết thông tin trên, việc đầu tiên cô làm là rà soát xem có học sinh nào thi, được cấp chứng chỉ IELTS do Công ty TNHH Giáo dục IDP cấp hay không để kịp tư vấn và hỗ trợ các em (nếu cần).

Theo cô Ly Nga, lúc này việc ổn định tâm lý cho học sinh lớp 12 là quan trọng. Do đó, cô đồng tình với quan điểm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người được cấp chứng chỉ.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Tiếp tục sử dụng

Liên quan đến liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam, chiều 9/5, Bộ GD&ĐT đã có thông tin về việc này. Theo thông tin Bộ GD&ĐT cung cấp, Thanh tra Bộ đã có kết luận thanh tra đối với một số đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, trước thời điểm được Bộ GD&ĐT cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, các đơn vị này có hành vi liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, vi phạm quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Năm 2023, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã ban hành Công văn số 889/QLCL-QLVBCC ngày 9/6/2023 về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và Công văn số 999/QLCL-QLVBCC ngày 15/6/2023 về việc sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Như vậy, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi người được cấp chứng chỉ.

Kết luận số 18/KL-TTr ngày 24/4/2024 của Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam; thực hiện đúng quyết định cho phép của Bộ GD&ĐT, quy định tại Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, Nghị định 86/2018/NĐ-CP. Đồng thời rà soát, báo cáo Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam khi chưa được phép từ cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi, đúng quy định của pháp luật.

Bài liên quan
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Cần bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư
Tìm hiểu về dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi và tầm quan trọng của nó trong bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học