Bảo đảm quyền lợi của sinh viên Đại học Thủ Dầu Một

Huyền Trang (TTXVN) {Ngày xuất bản}

Ngày 17/10, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương Hà Văn Út cho biết, đơn vị đang phối hợp với Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) rà soát cụ thể khoản thu dư hơn 37 tỷ đồng của sinh viên để có phương án xử lý phù hợp, nhân văn, đảm bảo trình tự, thủ tục quy định.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng TrườngĐại học Thủ Dầu Một, nhà trường tiếp tục thực hiện việc rà soát, xin ý kiến hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cơ quan kiểm toán và ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện hài hòa, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của sinh viên.

Trước đó, sau năm 2022, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán hoạt động Trường Đại học Thủ Dầu Một và có kết luận về nội dung thu học phí của sinh viên đối với tín chỉ thực hành. Về nội dung này, năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, Trường chưa tự chủ tài chính, kinh phí hoạt động do ngân sách cấp bù nên việc thu thực hiện theo quy định của Nghị định 86/NĐ-CP ngày 02/10/2022 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với hệ thống giáo dục quốc dân.

Riêng học phí đối với tín chỉ thực hành, Trường nhân hệ số 1,5 so với tín chỉ lý thuyết để bù đắp chi phí đào tạo. Theo Nhà trường, chi phí đào tạo thực hành cao hơn đào tạo lý thuyết. Cụ thể, theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn chương trình đào tạo thì một tín chỉ lý thuyết tương đương 15 giờ dạy, trong khi một tín chỉ thực hành tương đương 30 giờ dạy, tức chi phí giảng dạy và cơ sở vật chất dạy thực hành gấp 2 lần so với dạy lý thuyết. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, khi dạy thực hành, trường phải chia quy mô từ 20 - 25 em/lớp, trong khi quy mô chuẩn theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 40 em/lớp và quy mô này chỉ phù hợp học lý thuyết; đồng thời dạy thực hành cần tiêu hao vật tư thực hành.

Kiểm toán không thống nhất với cách hiểu và thu hệ số đối với tín chỉ thực hành như Trường thực hiện, nên yêu cầu Nhà trường hoàn trả phần thu này cho sinh viên hoặc nộp ngân sách nhà nước.

Sau khi có kết luận Kiểm toán ngày 22/12/2022, Nhà trường có rà soát, đánh giá và ban hành các giải pháp thực hiện kết luận kiểm toán theo phương án hoàn trả cho sinh viên. Tuy nhiên, qua rà soát nhận thấy, niên khóa 2020 - 2021, các em đã ra trường. Bên cạnh đó, Trường đào tạo đa ngành và mỗi chương trình đào tạo, mỗi môn học có tỷ lệ tín chỉ lý thuyết, thực hành khác nhau nên việc tính số tiền hoàn trả cho từng em là khó khả thi và không kịp tiến độ thời gian theo kết luận kiểm toán. Do vậy, Trường đã nộp ngân sách nhà nước theo nội dung kết luận kiểm toán để đảm bảo đúng tiến độ thời gian (phải thực hiện kết luận kiểm toán trước ngày 31/3/2023). Sau khi thực hiện xong kết luận kiểm toán, Trường có văn bản báo cáo với cơ quan kiểm toán và các cơ quan chuyên môn.

Sau vụ việc, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức kiểm điểm về việc thu học phí vượt mức trần quy định cho các hệ đại học chính quy, giáo dục thường xuyên, thạc sĩ, và tiến sĩ trong hai năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022; có công văn báo cáo kết quả.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, về quyền lợi của sinh viên, ông ủng hộ để nhà trường xem xét xử lý theo đúng quy trình, quy định, tuy nhiên sự việc cần có thời gian.

Bài liên quan
Đại học Bách khoa Hà Nội trao học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Sáng 15/10, Câu lạc bộ Golf Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã trao 20 suất học bổng, tổng trị giá 200 triệu đồng, cho các sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão lũ và hoàn cảnh khó khăn khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo đảm quyền lợi của sinh viên Đại học Thủ Dầu Một