Thời sự

Báo động tình trạng sạt lở bờ sông Lam

14/06/2024 09:28

Do tự nhiên và tác động của con người, nhiều khu vực bãi bồi, bờ sông Lam (Nghệ An) bị sạt lở nghiêm trọng, 'nuốt chửng' nhiều ha đất nông nghiệp.

Đất sản xuất “đổ” xuống sông

Nằm giữa 2 cây cầu Yên Xuân cũ và mới, bãi bồi ven sông Lam nằm giữa 2 xã Long Xá (huyện Hưng Nguyên) và Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn) là nơi người dân canh tác hoa màu. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở tại khu vực bãi bồi này khiến người dân và chính quyền địa phương hết sức lo lắng.

Theo quan sát, vùng bãi bồi thuộc xã Long Xá kéo dài hơn 2.200m dọc đê Tả Lam, bề rộng có đoạn từ 500 - 1.000m. Di chuyển ra mép sông Lam, từng lớp đất, cát bị sạt lở để lại bờ sông nứt nẻ, trống hoác.

Hướng tầm mắt về phía cầu Yên Xuân, ông Nguyễn Văn Thắng (trú tại xã Long Xá) cho biết, trước đây khu vực bãi bồi này rộng hơn bây giờ hàng chục mét. Người dân thường trồng các loại hoa màu như: Ngô, đậu tương, lạc…

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây vùng bãi bồi bị sạt lở, nhiều ha đất màu mỡ bị “hà bá” nuốt chửng. Ngoài việc ảnh hưởng đến đất trồng rau màu, một số trang trại, mô hình sản xuất rau sạch, cây sâm tại cánh đồng này cũng đang bị đe dọa xóa sổ.

Theo ông Thắng, khi cầu Yên Xuân hoàn thành vào năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng phải 2 lần lùi sâu “biển báo khoảng cách an toàn” vào bên trong. Có thời điểm sau mưa lũ, đất và cây trồng đều bị nước cuốn trôi. Vì đó, giờ đây nhiều người dân rất lo sợ, không dám canh tác ở khu vực này.

Ông Võ Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Long Xá cho biết, bãi đất dưới chân cầu Yên Xuân (mới) của xã trước đây rất rộng, kéo dài ra đến nửa cây cầu. Khoảng 4 năm trở lại đây, bờ sông Lam qua địa bàn xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nhiều đất canh tác bị cuốn theo dòng nước. Theo ông Chiến, trung bình mỗi năm nước sông cuốn trôi từ 0,5 - 1ha đất canh tác của dân.

Được biết, vùng bãi bồi bị sạt lở có nhiều nguyên nhân: Mưa lũ, dòng chảy và tác động của các tàu khai thác cát ở lòng sông. Chính quyền và người dân tổ chức trồng cây ven sông chống sạt lở, nhưng không phát huy tác dụng.

Tại địa phận xã Trung Phúc Cường, tình trạng sạt lở còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Nhiều diện tích trồng keo của người dân bị cuốn theo dòng nước sông Lam.

“Từ năm 2022, sạt lở lấn vào khu vực đất trồng keo của tôi. Khu vực đất bị sạt lở dài khoảng 400m, lấn sâu vào hơn 50m. Ước tính khoảng 2ha cây keo bị cuốn trôi, gây thiệt hại rất lớn”, ông Võ Văn Kỳ (trú tại xóm Phú Xuân, xã Trung Phúc Cường) tiếc nuối.

Theo thống kê sơ bộ, trong mấy năm vừa qua, khu vực bãi bồi thuộc xã Trung Phúc Cường bị sạt lở hơn 17ha đất.

Bãi bồi sông Lam giáp ranh giữa xã Long Xá và Trung Phúc Cường bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Phạm Tâm
Bãi bồi sông Lam giáp ranh giữa xã Long Xá và Trung Phúc Cường bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Phạm Tâm

Đi tìm nguyên nhân

Theo điều tra của Đoàn quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi tỉnh Nghệ An, tính đến năm 2019 có 153 vị trí sạt lở bờ sông Lam thuộc địa bàn 68 xã, phường, thị trấn với tổng chiều dài 186,489 km. Sạt lở làm mất 561ha đất, ảnh hưởng tới 249 ngôi nhà, làm hư hỏng 134 công trình hạ tầng.

Vào tháng 10/2023, dọc bờ sông Lam đoạn qua xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn) và đoạn xã Thượng Tân Lộc (huyện Nam Đàn) xảy ra sạt lở nghiêm trọng, làm mất đi hàng chục ha đất, đe dọa hàng chục ngôi nhà của người dân và một số đoạn Quốc lộ 7A đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi.

Kết quả khảo sát cho thấy, có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông Lam. Đầu tiên do yếu tố địa hình, địa chất như: Vật liệu bờ, hình thái bờ có tác động lớn đến sự xói mòn đất và sạt lở của bờ sông Lam. Nhóm nguyên nhân thứ 2 do các yếu tố khí tượng thủy văn.

Nhóm này tác động đến lưu lượng và lưu tốc dòng chảy, tạo sự sai khác về hướng chảy sau hợp lưu, tạo xoáy ngầm và hiện tượng hàm ếch. Nhóm nguyên nhân còn lại do tác động của con người thông qua việc đào bới, san lấp để xây dựng các công trình nhà ở, xây dựng các thủy điện, làm đường; khai thác cát sỏi, khai thác rừng đầu nguồn…

Hơn 2ha cây keo của người dân xã Trung Phúc Cường bị đổ ập xuống sông. Ảnh: Phạm Tâm
Hơn 2ha cây keo của người dân xã Trung Phúc Cường bị đổ ập xuống sông. Ảnh: Phạm Tâm

Trong số các nguyên nhân, tác động của con người ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất. Nó vừa tác động trực tiếp lên bờ sông, vừa tác động gián tiếp lên các yếu tố thuộc 2 nhóm kia một cách hữu hình hoặc vô hình; làm thay đổi quy luật dòng chảy và sức công phá của lũ.

Theo một chuyên gia ngành thủy lợi nhận định, thực trạng khai thác rừng, phá rừng đầu nguồn để làm nương rẫy trong mấy thập kỷ trước khiến gia tăng biến đổi khí hậu, tăng mức xói mòn, rửa trôi đất, gây hiện tượng bồi lấp cục bộ, phân dòng cực đoan.

Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng tự phát ven bờ vô tình tạo thành “bức kè” điều chỉnh dòng chảy, gây thiệt hại khi lũ lớn. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép cũng góp phần tạo nên tình trạng sụt lún, sạt lở bờ sông Lam.

Sông Lam là con sông lớn nhất chảy qua 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có thượng nguồn từ cao nguyên Xiêng Khoảng (tỉnh Hủa Phăn, Lào). Sông Lam có tổng chiều dài 531km, diện tích lưu vực 27.200km², trong đó 17.730km² nằm trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bao-dong-tinh-trang-sat-lo-bo-song-lam-post687534.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bao-dong-tinh-trang-sat-lo-bo-song-lam-post687534.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo động tình trạng sạt lở bờ sông Lam