Qua công tác theo dõi và thống kê cho thấy, trong 11 tháng (từ tháng 12/2022 đến tháng 11/2023), Công an các cấp ở tỉnh Thanh Hoá đã tiếp nhận, xử lý 64 tin báo về các vụ việc có dấu hiệu xâm hại tình dục, trong đó có đến 47 vụ nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 73,8%). Việc phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế và làm giảm loại tội phạm này vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.
Vào tháng 4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Thanh Hoá khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Nhật Anh (SN 2008), trú tại thị trấn Thọ Xuân; Lê Viết Văn (SN 2008), trú tại xã Bắc Lương và Hồ Tuấn Phi (SN 2007), trú tại xã Xuân Hòa, cùng huyện Thọ Xuân, để điều tra, làm rõ tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi". Theo đó, tối 26/1, Nguyễn Nhật Anh và Lê Viết Văn rủ cháu H. (SN 2009), trú tại huyện Thọ Xuân đi chơi và ăn uống tại nhà Hồ Tuấn Phi. Trong cuộc ăn nhậu, 3 đối tượng trên đã bàn nhau liên tục chúc rượu cho cháu H. đến say xỉn, nằm gục tại chỗ. Nhận thấy H. đã say và bất tỉnh, các đối tượng đưa H. đi thuê nhà nghỉ để quan hệ tình dục và quay lại video, làm bằng chứng khống chế nạn nhân.
Trong các vụ việc do Công an Thanh Hoá thụ lý, giải quyết liên quan đến “xâm hại tình dục trẻ em”, không chỉ các bé gái chưa đủ tuổi vị thành niên bị những kẻ đáng bậc cha, chú dụ dỗ, mua chuộc, dọa nạt… để thực hiện hành vi mà còn có những vụ việc xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về tình cảm yêu đương, quan hệ tình dục khi bạn gái chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Điển hình là trường hợp của N.V.T ở thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá. Thông qua mạng xã hội facebook, T đã làm quen rồi ngỏ lời yêu với một cô gái mới lớn, sau đó cả hai phát sinh tình cảm nam nữ và tự nguyện quan hệ tình dục nhiều lần. Tuy nhiên, điều đáng nói, tại thời điểm T và bạn gái thực hiện hành vi quan hệ tình dục, bạn gái của T chưa đủ 16 tuổi. Sự việc được gia đình bạn gái phát hiện và báo lên cơ quan Công an, sau đó T đã phải trả giá cho sự nông cạn, thiếu hiểu biết của bản thân.
Tìm hiểu, nghiên cứu từ thực tế cho thấy, mọi trẻ trong cộng đồng đều có nguy cơ bị “xâm hại tình dục” kể cả những trẻ sống trong gia đình nghèo hay gia đình khá giả. Không những trẻ em gái mà trẻ em là nam giới cũng có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục. Sau những lần trẻ bị xâm hại tình dục không chỉ gây ra cho các em vết sẹo trên thân thể, mà trẻ còn phải chịu những vết thương lớn về mặt tinh thần, khó có thể khoả lấp. Đáng nói, sau khi bị xâm hại nạn nhân thường không hoặc không dám kể về những gì đã diễn ra với các em. Hầu hết những người xâm hại tình dục là nam giới và hầu hết các trẻ bị xâm hại bởi người quen biết, như họ hàng, bạn của gia đình, hoặc hàng xóm… Có những vụ xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm...
Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng “xâm hại tình dục trẻ em” gia tăng, trong đó có thể xuất phát từ chính gia đình hoặc cộng đồng xã hội trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các em. Qua các vụ việc “xâm hại tình dục trẻ em” cho thấy thực tế đau lòng, đa số đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em lại chính là người thân quen của trẻ trước đó. Thậm chí có những trường hợp “phi nhân tính” như, bố đẻ hiếp dâm chính con gái ruột của mình, bác dâm ô cháu ruột… Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp bé gái bị xâm lại xuất phát từ sự thiếu sự quan tâm, chăm sóc và theo dõi từ gia đình, trong khi các em không có đủ kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố hợp với các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em. Do vậy tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiềm chế; không xảy ra vụ việc phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Các tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em đều được tiếp nhận, phân loại, giải quyết, kết luận kịp thời, nhanh chóng theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần cảnh giác phòng ngừa tội phạm này của một bộ phận người dân chưa cao. Trong nhiều vụ việc, người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, mặc cảm, tự ti, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên không dám lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân họ hoặc người thân khi bị xâm hại.