Tuy nhiên, cả Thủ tướng Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều không có ý định trực tiếp đưa ra yêu cầu ông Zelensky bắt đầu đàm phán với Nga. Mỹ và Đức là những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Kiev.
Theo tờ báo Đức, tình hình tại chiến trường là khó khăn đối với Ukraine và quân Nga đang tiến lên. Mục tiêu chính của Chính phủ Đức hiện nay là giúp các quan chức ở Kiev có được "vị thế đàm phán thuận lợi về mặt chiến lược".
“Nhà Trắng và Văn phòng Thủ tướng Đức đang phối hợp hành động trong vấn đề này ”, tờ Bild cho hay, đồng thời nhấn mạnh Washington và Berlin cũng tính đến kế hoạch B.
Theo đó, trong trường hợp không diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, Berlin và Washington tính đến trường hợp đóng băng xung đột, không có thỏa thuận giữa các bên.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Moskva chưa bao giờ từ chối đàm phán về giải pháp hoà bình cho xung đột đang diễn ra với Kiev.
Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Zelensky bác mọi ý tưởng tiến hành đàm phán hòa bình với Nga bất chấp tình hình khó khăn của quân đội Ukraine trên chiến trường. Ông thừa nhận Ukraine đối mặt “rất nhiều thách thức” và Kiev “cần kết quả cụ thể trên chiến trường” để kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài và trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Đã xuất hiện tâm lý mệt mỏi ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Slovakia thông báo ngừng viện trợ cho Ukraine.
Nhiều đề xuất hòa bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.
Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine đối đầu Nga. Moskva cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine khiến đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”.
Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.
(Nguồn: TASS)