Các chuyên gia cho rằng 6 tháng đến một năm là thời điểm khuyến nghị nên thay đũa ăn cơm mới.
Đũa là vật dụng không thể thiếu trong mỗi mâm cơm gia đình tại Việt Nam. Đây cũng là dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với miệng và thực phẩm, chính vì thế việc sử dụng, bảo quản và vệ sinh đũa cần được chú ý.
Dù vậy, việc vệ sinh đũa ăn cơm và thời gian thay đũa định kỳ lại không phải là vấn đề được nhiều người tiêu dùng chú ý hoặc quan tâm tới.
Chị Thanh Phương, nhân viên văn phòng tại quận Tân Bình (TP.HCM) thừa nhận, ít quan tâm tới thời gian thay đũa mới vì chị nghĩ rằng rửa đũa thật sạch để nơi khô ráo là đủ.
Tương tự, gia đình chị Nghiêm Thảo ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM cũng bối rối trước câu hỏi: Bao lâu nên thay đũa một lần.
Chị Thảo cho hay, trước đây chị mua đũa ăn cơm bằng chất liệu tre hoặc gỗ, và chỉ thay khi chúng bị gãy hoặc quá cũ. Hiện gia đình chị đang sử dụng đũa ăn cơm bằng inox và không biết được thời gian nên thay đũa mới là khi nào.
Thạc sĩ Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng TP.HCM bày tỏ: Người tiêu dùng hãy thử quan sát đũa ăn hàng ngày, nếu thấy đũa xuất hiện các dấu hiệu như có vết nứt, cong vênh hoặc mất lớp phủ bên ngoài, đũa bị ố vàng, đũa có các dấu hiệu về nấm mốc... thì bạn nên thay đũa mới.
Các nấm mốc trên đũa có thể sinh độc tố aflatoxin, gây tác hại tiêu cực cho gan.
Các nấm mốc xuất hiện trên đũa không được vệ sinh đúng cách. Ảnh: HẠ QUYÊN
"Thay đũa ăn mới định kỳ là thói quen và biện pháp tốt để bảo vệ sức khỏe. Thông thường từ 6 tháng đến 1 năm là thời gian thích hợp để chúng ta thay mới đũa ăn. Với trường hợp dù chưa đến thời gian thay đũa nhưng xuất hiện dấu hiệu hư hỏng thì cần thay mới ngay lập tức"- Bác sĩ Hùng nói.
Chuyên gia thực phẩm PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cũng nhìn nhận, ở môi trường ẩm tích tụ nước, đũa ăn nhất là đũa làm từ tre, gỗ rất dễ bị hư hỏng. Kể cả với đũa inox cũng có thể bị ố vàng, xước theo thời gian. Do đó việc vệ sinh, bảo quản và thay đũa định kỳ sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe.
PGS-TS Thịnh lưu ý thêm, ngoài chú ý thời gian thay đũa định kỳ, việc rửa vệ sinh đũa cũng cần chú trọng.
Trong đó có một sai lầm người dân thường mắc phải khi rửa đũa là chỉ rửa xung quanh thành đũa, mà không chú trọng vị trí đầu ngọn đũa.
“Người ta thường rửa đũa một cách qua loa, vuốt từ thân lên đầu đũa mà không biết rằng chính ra ở đầu ngọn đũa mới là nơi thức ăn dư thừa lưu lại nhiều và dễ bị bỏ qua khi vệ sinh đũa. Nếu để lâu trong môi trường ẩm, không khô thoáng sẽ gây ra nấm mốc, nguy hiểm cho sức khỏe", PGS-TS Thịnh bày tỏ.