Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2022, anh Tuấn tiếp tục tham gia một phiên đấu giá đất tại Bắc Giang và trúng 2 lô với mức giá hơn 3 tỷ đồng. Dù tại phiên đấu giá đất đó nhiều người nhanh chóng sang tay lãi từ 50 - 70 triệu đồng nhưng anh Tuấn nghĩ thị trường vẫn đang nóng nếu giữ thêm sẽ có lãi nhiều hơn.
“Tôi tính nếu ôm thêm một thời gian nữa có khi lãi tiền tỷ. Do vậy, tôi vay thêm hơn 1 tỷ đồng để xuống tiền ôm cả 2 lô. Nhưng không may thị trường rơi vào trầm lắng, lãi suất vay giai đoạn cuối năm 2022 lên cao. Đến đầu năm nay tình hình tài chính của gia đình bị ảnh hưởng nên từ tháng 4 tôi đã rao bán lỗ cả 2 mảnh đất với hy vọng giữ được một phần tiền vốn”, anh Tuấn nói.
Cách đây hơn 1 tuần, 2 mảnh đất của anh Tuấn đã sang tay được cho một nhà đầu tư khác với mức giá giảm 25% so với thời điểm mua. Như vậy, với thương vụ đầu tư này, chỉ sau một năm số vốn ban đầu của anh Tuấn là hơn 1 tỷ chỉ còn 300 triệu đồng. “Cũng chỉ vì tham lợi từ đất nhưng vào thị trường sau nên tôi phải chịu thua lỗ”, người này trầm ngâm nói thêm.
Anh Quang Anh, môi giới bất động sản tại Bắc Giang cho biết, thị trường trong khu vực hiện nay cũng kém thanh khoản. Cảnh từng đoàn xe ô tô nối đuôi nhau tới xem đất đã không còn, thay vào đó là tình trạng thị trường đìu hiu, đất nền giảm giá.
“Mức giá giảm phổ biến khoảng 20 - 30% so với đỉnh cơn sóng. Những lô đất ngộp mức giá giảm sâu hơn thì thanh khoản khá dễ. Tuy nhiên, việc cắt lỗ đa phần đến từ nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn và mua vào đúng đỉnh. Còn những nhà đầu tư đã mua từ lâu, hiện nay dù cắt lỗ cũng vẫn lãi nhiều”, người môi giới này nói.
Theo khảo sát của chúng tôi, thực tế hiện nay không chỉ tại khu vực Bắc Giang, rất nhiều các khu vực khác như vùng ven Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh,... giá đất nền cũng đã giảm phổ biến từ 20 - 30% so với đầu năm ngoái.