Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, tình trạng thừa nhà giá cao, thiếu hụt nhà giá thấp tại Tp.HCM đã ở mức báo động trong một thời gian dài. Cụ thể, trong 3 năm gần đây, phân khúc nhà cao cấp, hạng sang (giá 70-100 triệu đồng một m2 đến hàng trăm triệu đồng một m2) thường xuyên lấn át về số lượng chào bán ra thị trường. Có nhiều thời điểm căn hộ cao cấp và hạng sang chiếm 70% rổ hàng và không có sản phẩm nhà ở bình dân nào.
Dữ liệu của HoREA chỉ ra, trong các năm 2021-2022, phân khúc nhà chung cư dưới 30 triệu đồng một m2 đã dần biến mất khỏi thị trường Tp.HCM. Đỉnh điểm là năm 2021, thành phố ghi nhận tổng số 14.443 căn nhà đủ điều kiện huy động vốn và được chào bán ra thị trường, trong đó căn hộ bình dân chiếm tỷ trọng 0%. Ngược lại rổ hàng có đến 10.404 căn nhà cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm 73,98%.
Không chỉ có căn hộ bình dân ngày càng khan hiếm, phân khúc nhà ở xã hội tại Tp.HCM cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Dù là địa phương được giao chỉ tiêu xây nhà ở xã hội cao thứ 5 toàn quốc với gần 70.000 căn đến năm 2030, Tp.HCM vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản phẩm này.
Thành phố đang triển khai 9 dự án nhà ở xã hội, nhưng hầu hết mới làm lễ khởi công và chưa có hoạt động xây dựng do vướng các thủ tục đầu tư. Đến hết quý 1/2023, Tp.HCM chỉ có một dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, đưa vào sử dụng với quy mô 260 căn hộ tại Thủ Đức.
Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, dù được quan tâm, thúc đốc rất nhiều nhưng đến nay lượng nhà ở giá thấp vẫn còn khá hạn chế. Trong thời gian tới, thị trường kỳ vọng có thêm nguồn cung các sản phẩm thuộc nhóm nhà ở xã hội bên cạnh các sản phẩm nhà ở thương mại giúp cân bằng lại cán cân cung cầu nhà ở.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, để cân bằng cán cân cung cầu nhà ở đã bị lệch pha nhiều năm, sẽ cần nhiều thời gian để tái cơ cấu lại sản phẩm.