Kobi Sharvit – chuyên gia thuộc IAA – cho biết, thanh kiếm quý giá bị cát biển vùi lấp và nhiều sinh vật biển dính chặt khiến nó khó bị phát hiện dù chỉ nằm ở độ sâu hơn 3 mét.
“Dòng hải lưu thay đổi đã cuốn trôi lớp cát dày và làm lộ ra thanh kiếm”, ông Sharvit nói.
“Dù ngâm nước biển và bị các sinh vật bào mòn gần 1.000 năm, thanh kiếm vẫn ở trong tình trạng rất tốt. Nó được rèn với kỹ thuật luyện kim ở trình độ cao bất ngờ. Chúng tôi sẽ trưng bày thanh kiếm sau khi nó được làm sạch và khôi phục vẻ đẹp rực rỡ vốn có”, ông Sharvit nói thêm.
Theo các chuyên gia khảo cổ, nhiều khả năng thanh bảo kiếm từng được sở hữu bởi một hiệp sĩ Thập tự chinh.
Nhiều sinh vật biển dính chặt vào thanh kiếm có từ thời Thập tự chinh (ảnh: Daily Mail)
Thập tự chinh là một loạt các cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra từ năm 1095 – 1291. Những hiệp sĩ Thập tự chinh đến từ khắp nơi trên Tây Âu. Theo lời hiệu triệu của Giáo hoàng, họ thực hiện nhiều cuộc chiến liên miên nhằm giành lại Jerusalem – vùng đất thánh của Kitô giáo do những người theo đạo Hồi kiểm soát.
Shlomi Katzin cũng tìm được nhiều cổ vật khác bên cạnh thanh kiếm, bao gồm một số mỏ neo bằng đá và đồ gốm. Anh báo cáo những phát hiện của mình với IAA vì sợ những cổ vật sẽ bị đánh cắp nếu bỏ lại dưới đáy biển.
“Đây là một thanh kiếm đẹp, hiếm và được tìm thấy trong tình trạng hoàn hảo. Chưa nói đến niên đại, chỉ riêng giá trị lịch sử đã chứng minh nó thuộc hàng bảo vật”, IAA tuyên bố.