Đối với công chúng Ấn Độ, vụ bê bối này đã để lại một vết nhơ sâu sắc về sự xuống cấp đạo đức trong hệ thống giáo dục.
Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI) mới đây phát hiện một mạng lưới tham nhũng tinh vi, có liên quan đến nhiều quan chức cấp cao của Bộ Y tế, Ủy ban Y tế quốc gia (NMC), các trường đại học y khoa tư nhân cùng nhiều tổ chức trung gian. Cụ thể, theo báo cáo ngày 7/7, 34 cá nhân bị cáo buộc thao túng quy trình kiểm tra chất lượng các trường y, trong đó có cựu Chủ tịch Ủy ban Tài trợ Đại học (UGC).
Lãnh đạo các trường y tư nhân đã hối lộ quan chức các cơ quan y tế để lấy thông tin thanh tra mật. Sau đó, họ dàn dựng các “màn kịch” để tạo ấn tượng với đoàn kiểm tra chất lượng giáo dục rằng trường tuân thủ đầy đủ yêu cầu kiểm định.
Ông Amulya Nidhi, đại diện Phong trào Y tế Nhân dân Ấn Độ, cho biết: “Việc số hóa vốn được kỳ vọng mang lại sự minh bạch, nhưng giờ nó lại bị lợi dụng để hợp thức hóa gian lận. Đây không chỉ là một vụ lừa đảo, mà là sự sụp đổ của một thể chế”.
CBI cho biết chỉ riêng Viện Khoa học và Nghiên cứu Y khoa Rawatpura đã chi tới 5,5 triệu INR hối lộ cho 3 cán bộ NMC để xem trước hồ sơ thanh tra. Các khoản tiền hối lộ thường được luân chuyển qua trung gian.
Ủy ban Y tế quốc gia, với vai trò là cơ quan quản lý cao nhất trong lĩnh vực y tế, bị cáo buộc đã không thực hiện các biện pháp kỷ luật mạnh mẽ sau khi có bằng chứng rõ ràng. Các chuyên gia đặt câu hỏi vì sao đến nay vẫn chưa có trường nào bị rút giấy phép hay bác sĩ nào bị tước quyền hành nghề.
Một bác sĩ tại Delhi nhận định, vụ việc lần này đặc biệt nghiêm trọng vì CBI đang nắm trong tay bằng chứng không thể chối cãi, mở ra cơ hội cải tổ toàn diện. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại nếu chính phủ và các cơ quan quản lý không hành động mạnh tay, người dân sẽ mất niềm tin vào hệ thống giáo dục y khoa.
Các nhà hoạt động xã hội, học giả và chuyên gia y tế yêu cầu cải tổ toàn bộ quy trình kiểm tra và phê duyệt giáo dục y khoa, đặc biệt là trong khu vực tư nhân. Họ kêu gọi chính phủ có lập trường rõ ràng, rút giấy phép các cơ sở vi phạm, đồng thời ban hành chương trình giáo dục đạo đức bắt buộc trong các trường y.
Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn và dự kiến sẽ còn nhiều cá nhân bị truy tố trong thời gian tới. Tuy nhiên, đối với công chúng Ấn Độ, vụ bê bối này đã để lại một vết nhơ sâu sắc về sự xuống cấp đạo đức trong hệ thống giáo dục.
Ông Amulya Nidhi, đại diện Phong trào Y tế Nhân dân Ấn Độ, cho biết: “Việc phê duyệt các trường y đang được đấu giá như rau củ ngoài chợ. Hệ quả là chúng ta đang đào tạo ra những bác sĩ thiếu đạo đức, làm suy giảm toàn bộ hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe. Chúng ta không thể chấp nhận đào tạo ra thế hệ bác sĩ vô đạo đức chỉ vì lợi ích trước mắt”.