Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do phần lớn người dân không đồng tình với đơn giá quy định của Nhà nước nên tiến độ thường kéo dài. Ngoài ra, do nền địa chất tại Bến Tre yếu nên suất đầu tư hạ tầng tương đối lớn..., làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Lê Văn Nhân cho hay, huyện hiện có 3 cụm công nghiệp được đưa vào phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030 gồm Phong Nẫm với diện tích 73,3 ha, Phong Nẫm 2 và Thị Trấn - Bình Hòa mỗi cụm có diện tích 75 ha.
Giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do giá đất thị trường khu vực cụm tăng cao, người dân không đồng ý với hệ số và đơn giá Nhà nước quy định. Thời gian đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Nguồn ngân sách của huyện hạn chế nên việc đầu tư hạ tầng giao thông, cầu tàu, hệ thống xử lý nước thải tập trung… thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đầu tư, bố trí vốn cho khu, cụm công nghiệp. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bến Tre đầu tư có trọng tâm, trọng điểm dựa trên cơ sở khai thác, phát huy lợi thế của từng khu, cụm công nghiệp.
Sở Công Thương Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có 9 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 329 ha. Đến nay, có 4 cụm công nghiệp đã đầu tư và đi vào hoạt động với 27 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 7.833 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.930 lao động.