Thời gian nghỉ hè của nhà giáo được quy định trong Dự thảo Luật Nhà giáo sắp được xem xét thông qua sẽ theo hướng mở, không quy định bó buộc trong 8 tuần.
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Luật Nhà giáo sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Một trong những điểm mới so với dự thảo trước đây là quy định về thời gian nghỉ hè dành cho giáo viên. Nếu như trong các dự thảo trước đó, thời gian nghỉ hè được ấn định "tối đa là 8 tuần", thì ở bản trình Quốc hội lần này, quy định này đã có sự thay đổi mang tính mở.
Cụ thể, khoản 3 Điều 18 về chế độ làm việc của giáo viên trong phiên bản cũ quy định: "Thời gian nghỉ hè hằng năm của nhà giáo tối đa là 8 tuần và được bố trí phù hợp đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và loại hình cơ sở giáo dục".
Trong bản cuối cùng đang trình Quốc hội, quy định này đã được thay đổi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu, chỉ đạo chỉnh lý quy định về việc nghỉ hè của nhà giáo theo hướng mở, rõ hơn về quyền được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác của nhà giáo. Tại khoản 3 Điều 18, thời gian nghỉ hè hằng năm của nhà giáo được bố trí phù hợp theo từng cấp học, trình độ đào tạo và loại hình cơ sở giáo dục quy định của Chính phủ.
Như vậy, quy định cứng "tối đa 8 tuần" đã không còn xuất hiện trong dự thảo Luật trình Quốc hội.
Hiện nay, thời gian nghỉ hè của giáo viên được thực hiện theo Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT được Bộ GD&ĐT có hiệu lực ngày 22/4 vừa qua.
Thông tư này quy định, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Giáo viên trung cấp, cao đẳng được nghỉ 6 tuần, còn giảng viên đại học nghỉ phép theo quy chế của từng trường.
Việc Luật Nhà giáo không còn quy định cứng nhắc về thời gian nghỉ hè tối đa được nhiều ý kiến đánh giá là một bước tiến phù hợp, tạo điều kiện linh hoạt hơn cho việc điều chỉnh thời gian nghỉ này.
Thay vì con số "8 tuần" cố định, quy định mới mở ra khả năng điều chỉnh để phù hợp hơn với đặc thù từng cấp học, vùng miền, thậm chí là tình hình thực tế như dịch bệnh, thiên tai hoặc các yếu tố đặc biệt khác.
Nhiều nhà giáo cho rằng, sự thay đổi này thể hiện sự lắng nghe và thấu hiểu đối với những đặc thù riêng của từng cấp học. Ví dụ, giáo viên mầm non, tiểu học, chuyên biệt có thể có những yêu cầu khác biệt so với giáo viên THCS, THPT hay giảng viên đại học về thời gian cần thiết để nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng sau một năm học.
Quy định mới cũng được kỳ vọng sẽ giúp các cơ sở giáo dục chủ động hơn trong việc sắp xếp lịch nghỉ hè sao cho vừa đảm bảo quyền lợi của nhà giáo, vừa phù hợp với kế hoạch năm học và các hoạt động khác.
Việc không còn "rào cản" 8 tuần có thể tạo điều kiện để kéo dài kỳ nghỉ ở những thời điểm phù hợp hoặc điều chỉnh linh hoạt hơn trong các tình huống đặc biệt.
Dự thảo Luật Nhà giáo chuẩn bị được Quốc hội xem xét thông qua lần này gồm 9 chương, 45 điều, tập trung vào các khía cạnh quan trọng như hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.
Các chính sách trong dự thảo Luật đã được Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Các chính sách này nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng: "Phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhà giáo có vai trò quyết định chất lượng giáo dục"; kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập về chất lượng và hoạt động nghề nghiệp; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn quản lý nhà giáo…
Những chính sách lớn này được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển giáo dục, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn quản lý.