Cần quy định dạy thêm, học thêm trong dự thảo Luật Nhà giáo

07/04/2025 20:46

Nghiên cứu, đánh giá kỹ câu chuyện dạy thêm, học thêm, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định nội dung này trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Cấm ép buộc học thêm vì vụ lợi

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) băn khoăn về quy định cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Đại biểu cho rằng, không phải cứ ép học sinh học thêm là xấu.

Thực tế, nhiều giáo viên thấy học sinh học yếu và khả năng không theo kịp được bạn bè. Với những em, nếu giáo viên tâm huyết sẽ yêu cầu học sinh ở lại cuối giờ để học thêm, chỉ bảo thêm, thậm chí những học sinh này không sẵn sàng, nhiều khi cần phải ép buộc.

Tuy nhiên, hành vi này không xấu, rất nhân văn và khá phổ biến đối với những giáo viên có trách nhiệm. “Vậy tại sao chúng ta lại cấm? Chúng ta chỉ cấm ép buộc học thêm vì vụ lợi, nếu không vụ lợi thì tốt nên cần khuyến khích” - đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề.

Dẫn thực tế có nhiều giáo viên dạy thêm học sinh không ép buộc, thậm chí gia đình viết đơn tự nguyện, nhưng thực chất không phải tự nguyện mà vẫn là “ép buộc một cách trá hình.

Nếu chỉ quy định “cấm ép buộc” thì học thêm vẫn cứ xảy ra. Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật Nhà giáo nên quy định “cấm dạy thêm có thu tiền đối với những học sinh đang trực tiếp giảng dạy”. Tức là nếu đang giảng dạy mà dạy thêm có thu tiền thì phải cấm, kể cả có đơn tự nguyện cũng là ép buộc trá hình.

Lưu ý việc đánh giá nhà giáo đang quy định giống với đánh giá viên chức, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, quy định như vậy là chưa đủ, bởi đối tượng cần thiết và quan trọng trong đánh giá nhà giáo là người học, gia đình người học và xã hội.

Những ý kiến này không chỉ giúp đánh giá đúng nhà giáo mà còn giúp bản thân người được đánh giá rút ra những vấn đề mình cần điều chỉnh, cần thay đổi để giảng dạy tốt hơn.

Trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đang sử dụng chính người học, phụ huynh đánh giá giáo viên của mình. Nếu chỉ quy định đánh giá như viên chức hiện nay thì việc các cơ sở sử dụng người học để đánh giá là vi phạm pháp luật.

Lưu ý vấn đề này, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, cần quy định rõ hơn nữa các điều kiện đánh giá; đồng thời quy định thông tin đánh giá nhà giáo từ người học, gia đình người học và xã hội chỉ được công bố cho người có trách nhiệm đánh giá, nhà giáo được đánh giá, không công bố công khai, không được sử dụng ngoài mục đích đánh giá.

Cần quy định nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo

daythemjpeg1.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu ý kiến, dự thảo Luật Nhà giáo cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57).

Cụ thể, phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ then chốt;

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các đại học uy tín của nước ngoài; đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, hiện đại hóa phương thức đào tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là trí tuệ nhân tạo.

Đại biểu Dương Khắc Mai đề xuất, xây dựng một số trường, trung tâm đào tạo tiên tiến chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo. Có cơ chế đặc thù về hợp tác công tư trong đào tạo nhân lực công nghệ số. Xây dựng nền tảng giáo dục, đào tạo trực tuyến, mô hình giáo dục đại học số, nâng cao năng lực số trong xã hội.

Cần bổ sung các chính sách liên quan đến phát triển nhà giáo, đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) nêu ý kiến và cho rằng, việc này sẽ đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 57.

4-9109.jpg
Cô trò lớp 9 Trường THCS Trần Đăng Ninh, TP Nam Định trong giờ học môn Toán. Ảnh: Đình Tuệ.

Tán thành lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có nhiều chính sách về phụ cấp khác, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, quy định này sẽ tháo gỡ khó khăn đối với nhà giáo, bảo đảm tính đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo.

Để chính sách được thực thi hiệu quả, đại biểu đề xuất, việc xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi nhà giáo có vai trò quyết định đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong quá trình thi hành luật, đi đôi với chính sách đặc thù về tiền lương, phải có các quy định nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo, từng bước xây dựng đội ngũ giỏi về chuyên môn, đáp ứng toàn diện các quy định về đạo đức nhà giáo, tận tâm, trách nhiệm với nghề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, tiếp tục nghiên cứu thêm về câu chuyện dạy thêm, học thêm. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Do vậy, Bộ cần tiếp tục tập hợp, nghiên cứu và đánh giá việc triển khai Thông tư này để quy định trong Luật Nhà giáo trên nguyên tắc bảo đảm không quá chi tiết, cụ thể, để tránh phải sửa luật, mà có thể quy định ở những điều kiện cụ thể, ở những thời điểm cụ thể tại các thông tư, nghị định.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/can-quy-dinh-day-them-hoc-them-trong-du-thao-luat-nha-giao-post726164.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/can-quy-dinh-day-them-hoc-them-trong-du-thao-luat-nha-giao-post726164.html
Bài liên quan
Sở GD&ĐT Nam Định chỉ đạo làm rõ phản ánh về vi phạm dạy thêm
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nam Định giao Thanh tra Sở phân loại, xử lý đơn thư phản ánh về vi phạm quy định dạy thêm, học thêm tại TP Nam Định.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần quy định dạy thêm, học thêm trong dự thảo Luật Nhà giáo