Tư liệu này xác định người phụ trách chung việc đúc súng là Nguyễn Văn Khiêm cùng hai phụ tá Hoàng Văn Cẩn và Cái Văn Hiếu. Còn Phan Tấn Cẩn chính là người khắc đắp minh văn và các hoa văn tuyệt tác cho hiện vật.
Như vậy, Phan Tấn Cẩn chính là người tạo nên phần hồn của chín vị thần công này với hệ thống hoa văn tuyệt tác và minh văn đắp, khắc trên thân súng. Dạng "kỷ hà" với lối hoa văn dây "rồng hóa" và đồ án vương miện kiểu phương Tây hài hòa, tuyệt mỹ...
Chúng tôi tìm về quê của ngài Phan Tấn Cẩn ở làng Đốc Sơ ngay sau mặt bắc của kinh thành Huế, nay thuộc phường An Hòa (TP Huế).
Tại nhà thờ nhánh họ Phan Tấn, vừa là nơi thờ tự vừa là nơi ở của hậu duệ Phan Tấn Hoàng, sau khi thắp hương lên bàn thờ ngài, ông Hoàng đưa bản "Gia phả Phan phái, nhánh thứ tư" cho chúng tôi xem.
Trong đó thể hiện ông Phan Tấn Cẩn còn có tên là Hoát, sinh năm 1752 và mất năm 1816. Ông thuộc đời thứ 3 của dòng họ ở đây; ông nội là Phan Tấn Sĩ, tổ khai canh làng Đốc Sơ này.
Gia phả ghi rõ hành trạng và cuộc đời làm quan của Phan Tấn Cẩn. Theo đó, năm 1779 ông cùng hai người em vợ theo thuyền buôn vào Nam phò chúa Nguyễn Phúc Ánh rồi làm quan phụ trách kho, mua sắm quân nhu, phụ trách đúc binh khí cho nhà chúa ở thành Gia Định và lập được nhiều công trạng.
Khi vương triều Nguyễn thành lập, ông tiếp tục làm quan, lên chức hữu tham tri Bộ Công kiêm quản đồ gia và được ban tước hầu. Sử Nguyễn ghi Cẩn Tín hầu khi làm quan từng phạm lỗi lầm bị vua giáng chức.
Gia phả ghi rõ lỗi lầm này trước năm 1812: "Ngài quản đốc quản đúc dinh đúc ngói gạch, ngài có lầm lỗi vì gạch sống, bị vua Gia Long giáng cai bộ trật chánh tam phẩm, nhưng còn kiêm quản đồ gia sự vụ". Tuy nhiên, sử Nguyễn cũng chép về ông "có tiếng là quan lại giỏi".
Ở làng Đốc Sơ, Phan Tấn Cẩn được ghi nhận có công lớn, từng xây dựng nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng và phục vụ dân sinh giúp dân làng. Tài năng và mưu lược của ông còn được truyền kể qua các câu chuyện dân gian trong vùng, đặc biệt là trong dòng tộc.
Ông Phan Tấn Hoàng cho biết cụ tổ chính là người cho đào hói Hàng Tổng để tưới tiêu cho ruộng đồng làng Đốc Sơ và một số làng lân cận.
Nhờ vậy, làng đã trích năm sào ruộng lấy hoa lợi hương khói cho ông, tên của ông được đưa vào văn tế của làng, đến ngày giỗ ông hội đồng làng luôn sắm dâng mâm lễ vật trịnh trọng đến dâng...
"Phan Tấn Cẩn người huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, có tiếng là quan lại giỏi, lúc đầu vào Gia Định bổ là câu kê ty Nội sứ ở chính doanh.
Năm Bính Thìn theo chức cũ sung làm ứng hậu ở Hậu điện, rồi thăng làm cai bạ coi việc đồ gia, coi các thợ đúc đồ binh khí, rồi thăng tham trị Bộ Công kiêm lý đồ gia, có tội phải thiên xuống làm cai bạ, vẫn kiêm lý đồ gia.
Năm thứ 12, được khôi phục làm tham tri Bộ Công, vẫn kiêm coi việc đồ gia như cũ. Mùa đông năm thứ 14, vì ốm xin về hưu, được vào chầu hầu, rồi chết, con là Tấn Kế" - sách Đại Nam liệt truyện.
***********
Bảo vật bộ ba thần công Bảo quốc An dân đại tướng quân của Bảo tàng Hà Tĩnh gắn liền với nhiều câu chuyện rất đặc biệt, kể cả chuyện liên quan đến "tác giả" làm nên nó...
Kỳ tới: Tìm người đúc súng Bảo quốc An dân đại tướng quân