Lăng Trần Đăng Long đầu tựa núi Vân Trai, chân hướng về phía biển gồm 2 nấm mộ của ông và người vợ; bia đá ghi rõ tiểu sử, các chức tước và công trạng lẫn việc xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2005.
Anh Võ Văn Quang, người tự nguyện trông lăng sống gần đó, giới thiệu tôi tìm gặp ông Trần Đăng Tường, hậu duệ đời thứ 10 của ngài Trần Đăng Long đang trú ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Đón tiếp trong sự vui mừng, ông Tường cho hay chừng 30 năm trước, ông chính là người bất ngờ tìm được lăng mộ cụ tổ. Chuyện trong dòng họ Trần Đăng kể rằng cụ tổ Trần Đăng Long qua đời ở Huế, được đức Thánh tổ Minh Mạng cho thuyền bè đưa linh cữu về an táng tại địa điểm ngày nay thể theo di nguyện của ông lúc còn sống.
Đến sau 1945, vì nhiều lý do, nhất là các vị cao niên đều qua đời mà lăng mộ "thất lạc". Mấy chục năm trời, cả dòng tộc luôn trong nỗi buồn canh cánh...
Một ngày đầu thập niên 1990, khi đang đạp xe ở TP Đà Nẵng, ông Tường bất ngờ gặp người bạn cũ. Người này bảo từng đến núi Vân Trai, ghé mộ cổ và đọc tấm bia đá có những thông tin tương tự điều trăn trở của bạn mình.
Ông Tường dẫn vợ đến ngay Vân Trai, đọc xong thông tin trên phiến bia cổ, ông ôm vợ khóc nức nở vì xác định đây là nơi yên nằm của tổ tiên mình. Khu mộ sau đó được tu sửa, chỉnh trang, dựng bia đá, xây cổng, làm đường dẫn vào...
Trần Đăng Long, sinh năm 1760, theo phò chúa Nguyễn từ năm 19 tuổi và được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng từ thời chúa Nguyễn Phúc Ánh cho tới giai đoạn triều Nguyễn.
Sách sử triều Nguyễn chép khá nhiều về công việc ở triều đình của quan Trần Đăng Long. Đáng chú ý là góp phần kiến thiết và xây dựng kinh đô Huế giai đoạn đầu, làm quản lý kho quân nhu và tổ chức chế tạo súng ống, đạn dược...
Nhiều vị trí công việc ông đều làm rất tốt, được nhà vua trọng thưởng. Sử ghi, tháng 10 năm Minh Mạng thứ 1 (1820), vua sai ông quản lý Vũ khố - cơ quan quản lý xuất nhập vật liệu và vũ khí.
Ông góp phần chế tạo nhiều khí tài cho triều đình, đặc biệt là đúc thành công súng điểu thương theo mẫu nước ngoài.
Ngày 5-8 năm Minh Mạng thứ 4 (1823), nhà vua truyền dụ: "Súng điểu thương dùng thuốc đạn loại mạnh mới chế là súng do nước ngoài mới chế tạo được, mà thợ của Vũ khố cũng theo dụ chỉ làm được đúng theo kiểu đó, thật đáng khen thưởng.
Vậy truyền thưởng cho Vũ khố 100 quan tiền và giao cho Trần Đăng Long thưởng đến tận tay các thợ giỏi để tỏ rõ sự khen thưởng khuyến khích. Lại lệnh cho các thợ đều phải trau dồi nghề nghiệp làm cho kỹ nghệ tinh xảo, sẽ có ban thưởng, hãy kính theo dụ này".
Tháng 8 năm Minh Mạng thứ 8 (1827), vua sai Trần Đăng Long cùng Nguyễn Kim Bảng kiêm quản Tào chính - vận chuyển hàng hóa và vật liệu của triều đình bằng thuyền, kiểm soát và thu thuế tàu thuyền.
Vào tháng giêng năm sau, khi ông bàn giao công việc này cho người kế nhiệm là Trần Văn Năng, nhà vua đã sai trích 200 quan tiền thuế để thưởng cho Trần Đăng Long vì làm tốt chức trách.
Ông mất tháng 12 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), sách Đại Nam thực lục viết: "Tặng chức Đô thống, cho 200 lạng bạc, 5 cây gấm Tống".
Sách Đại Nam liệt truyện ghi: "Mùa đông năm thứ 9, ốm chết, 69 tuổi, truy tặng Đô thống, lại gia thưởng 200 lạng bạc, 5 cây gấm tàu, có 6 người con trai là Tự, Phú, Xuân, Thu, Biện, Cận...".
"Trần Đăng Long: người huyện Điện Bàn, lưu ngụ ở Gia Định, năm Mậu Thân đi theo đánh dẹp, từng làm Khâm sai thuộc Nội vệ úy. Năm Gia Long thứ 16 làm Lưu thủ Quảng Nam. Năm Minh Mạng thứ nhất triệu về kinh quản lý Vũ khố, năm thứ 6 thăng thống chế dinh tiền quân, năm thứ 7 thăng phó đô thống chế, năm thứ 11 chết, tặng đô thống chế" - sách Đại Nam nhất thống chí.
****************
Trong số 27 hiện vật được Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia cuối tháng 1-2023 có tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 5-1946, Bác Hồ đã làm mẫu để điêu khắc gia Nguyễn Thị Kim sáng tác bức tượng ấy.
>> Kỳ tới: Vinh dự người nặn tượng lãnh tụ