Trong khi đó, ông T. - chủ một chuỗi karaoke từng có tiếng ở Hà Nội – buồn bã giãi bày thực tế kinh doanh khốn khó của hiện tại.
Theo ông T., thời gian qua, áp lực kinh tế đã buộc ông phải đóng cửa nhiều cơ sở. Những chỗ còn giữ lại được đã phải chuyển sang mô hình nhà hàng để hoạt động. “Khách đến các cơ sở của tôi chỉ hát mà không sử dụng đồ ăn thì chúng tôi sẽ không nhận vì về bản chất hiện nay chúng tôi đang kinh doanh nhà hàng. Giờ chúng tôi chỉ biết hy vọng khách dần quen mô hình mới để công việc kinh doanh ngày càng khởi sắc. Có như thế, nguy cơ phá sản mới có thể cứu vãn được”, ông T. nói.
Khi được hỏi tại sao không chuyển hoàn toàn sang mô hình nhà hàng, những ông chủ trên đều đưa ra chung câu trả lời: Do nhu cầu sử dụng dịch vụ karaoke của khách vẫn rất cao. Nhiều người đến quán chủ yếu là để hát chứ không phải để ăn uống. Nếu không giữ lại dịch vụ này, chắc chắn nhà hàng sẽ khó hút khách.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, chủ quán karaoke trên phố Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, để có thể biến quán karaoke thành nhà hàng, trước tiên chủ cơ sở cần phải nộp lại giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ karaoke, sau đó lại nộp giấy xin đăng ký kinh doanh dịch vụ nhà hàng. Qua hai bước trên, những cơ sở kinh doanh karaoke trước kia có thể hoạt động dưới hình thức nhà hàng, quán cà phê…
“Nhiều quán chỉ thay đổi mô hình kinh doanh khi sửa biển hiệu và giấy đăng ký. Trong khi đó các phòng hát họ vẫn giữ nguyên hiện trạng của quán karaoke. Khách tới đây sử dụng dịch vụ hát là chính chứ không phải ăn uống. Có những cơ sở không yêu cầu khách gọi đồ ăn. Bởi bản chất đây vẫn là quán karaoke ngày trước, chỉ có giấy phép đăng ký kinh doanh là khác”, bà Thủy nói.
Bà Thủy phân tích, hiện nay các cơ sở kinh doanh karaoke đang bị áp tiêu chí, quy chuẩn mới rất chặt chẽ. Để sửa chữa, đảm bảo các tiêu chuẩn đó, chủ quán sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn nhưng cũng không biết bao giờ mới được phép hoạt động trở lại.
Nhiều chủ quán karaoke cảm thấy không có khả năng khắc phục, cũng không thể chờ đợi thêm nên họ phải tìm cách để vẫn có thể kinh doanh, bù cho những khoản chi phí phát sinh hàng ngày, nếu không sẽ phá sản. Và việc chuyển đổi mô hình sang kinh doanh nhà hàng, có kèm theo dịch vụ ca hát được coi là tối ưu nhất hiện nay, vừa có thể kiếm ra tiền, vừa tận dụng được cơ sở vật chất tự có, lại chiều lòng phần lớn khách hàng.
Ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ quán karaoke nổi tiếng trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy) cho biết, hiện nay nhiều quán karaoke đã phá sản, trả mặt bằng vì chủ đầu tư đã cạn kiệt dòng tiền. Nhưng vẫn còn lại trên thị trường những cơ sở đang cố bám trụ và trong số đó, phần lớn đã chuyển hết sang mô hình kinh doanh nhà hàng để được hoạt động.
Theo ông Sỹ, việc chuyển đổi này là do chủ đầu tư đã phải đối mặt quá lâu với sức ép tài chính sau một thời gian rất dài, nếu không chuyển đổi họ sẽ sạt nghiệp, lâm cảnh trắng tay, nợ nần.
Ông Sỹ cũng cho rằng, việc các cơ sở kinh doanh karaoke chuyển sang hoạt động dưới hình thức nhà hàng, quán cà phê…, theo quy định của pháp luật là không sai. Tuy nhiên, phải thừa nhận chiêu “bình mới, rượu cũ” này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nếu chủ quán chỉ chăm chăm lo lợi nhuận mà quên đi yếu tố an toàn của khách.