"Việc cắt giảm nhằm củng cố những nỗ lực của các nước OPEC + để hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ", ông Novak lưu ý rằng các nhà chức trách sẽ đánh giá lại tình hình thị trường vào tháng 11 để đưa ra những quyết định tiếp theo.
Nga ra đòn "hồi mã thương"
Cũng trong bài phát biểu hôm 3/10, ông Novak tuyên bố Nga sẽ không bán dầu thô theo cơ chế trần giá mà G7 và EU đưa ra nhằm cắt giảm nguồn thu từ năng lượng của Moscow.
Ông cho biết, trong các hợp đồng với khách mua nước ngoài, các công ty dầu mỏ Nga phải tuân thủ sắc lệnh về việc tránh giới hạn giá dầu từ phương Tây. Đồng thời, ông tiết lộ thêm rằng dầu thô của Nga được giao dịch theo giá thị trường.
"Ban đầu, khi đưa ra mức trần giá, chúng tôi cho rằng đây là công cụ không khả thi. Nó khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với người tiêu dùng và toàn bộ thị trường năng lượng toàn cầu. Tổng thống Nga đã ban hành sắc lệnh đặc biệt về việc không tuân thủ các điều khoản giao hàng dưới mức giá trần trong hợp đồng. Các công ty của chúng tôi đang làm việc trong khuôn khổ sắc lệnh và chúng tôi đang giám sát chặt chẽ việc này", ông Novak nói.
Vào tháng 12/2022, EU, G7 và các nước đồng minh đã áp đặt lệnh cấm vận và giới hạn mức giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga. Những hạn chế tương tự đã được đưa ra vào tháng 2 đối với các sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Các biện pháp này nhằm mục đích giảm doanh thu năng lượng của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó đã ký một sắc lệnh, có hiệu lực từ ngày 1/2, đưa ra các biện pháp trả đũa nhằm vào động thái áp giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga. Sắc lệnh cấm cung cấp các sản phẩm dầu và dầu thô cho các quốc gia áp dụng mức trần giá trong hợp đồng và cũng cấm giao hàng nếu hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến giới hạn này.