'Bí kíp' chọn ngành, hướng nghề của thủ khoa tốt nghiệp

Ngọc Trang | 18/02/2022, 06:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc đã chia sẻ về hướng nghiệp, chọn nghề cho bạn trẻ. Bên cạnh đó là những phương pháp học tập đạt hiệu quả ở môi trường mới.

Cũng theo thủ khoa Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhiều bạn trẻ hiện nay thường chọn ngành, nghề theo số đông. Có người vì sợ bản thân sẽ khác biệt mà luôn lựa chọn những ngành nghề “hot” hay vì nghe người khác nói mà làm theo. Thực tế, ngành nghề nào cũng đều có vô vàn cơ hội và khó khăn. Quan trọng là chúng ta có đủ kiên nhẫn để trau dồi chuyên môn và theo đuổi nó tới cùng hay không.

Từ kinh nghiệm của bản thân khi đã trải qua cảm giác lo lắng, băn khoăn trong việc chọn trường Đại học, Lê Thị Nguyệt, thủ khoa kép Trường ĐH KHXH và Nhân văn chia sẻ, không nhất thiết phải chọn trường theo xu hướng của thời đại. Bạn trẻ nên ưu tiên chọn ngành học phù hợp với năng lực, thế mạnh của bản thân. Bởi nếu chạy theo ngành hot nhưng bản thân không yêu thích, vượt quá khả năng thì rất có thể bạn đã bỏ lỡ rất nhiều thời gian.

Ngược lại, ngành học mà bạn thích có thể không phải là ưu tiên ở thời điểm hiện tại nhưng sau khi kết thúc 4, 5 năm học ở đại học, xu hướng nghề nghiệp có thể đã thay đổi. Nhờ đam mê và chọn đúng sở trường, bạn sẽ tự mở ra nhiều cơ hội cho bản thân mà không nhất thiết phụ thuộc vào thị trường lao động.

Đừng học để thi

Với nhiều học sinh, khi hướng nghiệp, các em có thể chọn được ngành, nghề phù hợp. Nhưng môi trường học mới khiến nhiều bạn trẻ “sốc” vì có sự khác biệt với cấp học trước đó dẫn đến chán nản. Vì vậy, cần có những tìm hiểu, định hướng và phương pháp học từ đầu để dễ dàng làm quen khi bước vào cấp học cao hơn.

Theo thủ khoa Phạm Đình Dương, ở đại học rất khác với phổ thông. Phần là do môi trường đại học yêu cầu tính tự giác và khả năng nghiên cứu độc lập cao. Do đó, điều đầu tiên cần làm là phải nghiêm khắc với bản thân, đảm bảo rằng mỗi ngày phải dành thời gian học nghiêm túc vài giờ đồng hồ.

Thầy cô sẽ không kiểm tra bài cũ, kiểm tra 15 phút để nhắc nhở học tập như thế nào. Do đó, mỗi người cần chủ động bao gồm làm đầy đủ bài tập, chủ động hỏi thầy cô và bạn bè những điều còn thắc mắc.

“Học thầy không tày học bạn, chúng em có một nhóm bạn thân cùng tiến. Có bạn chuyên Toán, có bạn chuyên Lý, có bạn chuyên cả 2. Từ đó, nhóm tạo không khí học tập thi đua, cùng nhau giải quyết các vấn đề khó. Nhóm cũng thường xuyên cùng nhau ôn tập trước kỳ thi. Điều này rất quan trọng khi sinh viên phải đi đường dài trong suốt 4 - 5 năm đại học”, thủ khoa kép Trường Đại học Bách Khoa chia sẻ.

Với thủ khoa học vượt tiến độ Nguyễn Kiều Vi, một số sinh viên thường đợi đến gần ngày thi mới gấp rút ôn tập. Điều này sẽ không mang lại hiệu quả gì cho việc học mà chỉ là cách tạm thời để trải qua kỳ thi. Bởi thời điểm đó, nhiều môn học bị dồn lại, không đủ thời gian ôn luyện, dẫn đến tình trạng học qua loa.

“Nếu như mỗi ngày đều dành thời gian học tập thì sẽ không còn khái niệm học để đi thi nữa. Thay vì đến sát kỳ thi mới vội vàng ôn tập không hiệu quả thì ngay từ đầu, với mỗi môn học, buổi học cần cố gắng học, hiểu kiến thức ngay trên lớp. Đến kỳ thi chỉ cần giành thêm một chút thời gian củng cố lại kiến thức là có thể tự tin đạt kết quả tốt”, Vi chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/thu-khoa-tot-nghiep-dua-bi-kip-chon-nganh-huong-nghe-nh8gjmBnR.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/thu-khoa-tot-nghiep-dua-bi-kip-chon-nganh-huong-nghe-nh8gjmBnR.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Bí kíp' chọn ngành, hướng nghề của thủ khoa tốt nghiệp