Bí kíp giao tiếp gây ấn tượng nơi công sở

Hà Minh | 17/12/2023, 13:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Thông thường, trong danh mục các tiêu chuẩn đối với một vị trí việc làm cụ thể, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra yêu cầu về kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là đối với những vị trí cần phải tiếp xúc với nhiều người.

kxy-nang-giao-tiep-noi-cong-so.jpg
Bí kíp giao tiếp gây ấn tượng nơi công sở

Tự tin, chân thành trước nhà tuyển dụng

Ngay ở trong buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng, bạn hãy thể hiện một số đặc điểm của kỹ năng giao tiếp như: sự tự tin, lắng nghe, đàm phán, giải quyết vấn đề, ngôn ngữ cơ thể…

Bạn cũng có thể trình bày thêm các kỹ năng khác liên quan như kỹ năng trình bày, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng đặt câu hỏi… để gây ấn tượng mạnh hơn đối với nhà tuyển dụng.

Bạn hãy tìm hiểu và chuẩn bị trước các vấn đề như bối cảnh công ty, vị trí công việc hoặc bộ phận mà bạn đang ứng tuyển vị trí việc làm. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về người sẽ phỏng vấn bạn để nếu cần, có thể xử lý các tình huống liên quan tới người phỏng vấn.

Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã sẵn sàng vào làm việc ngay, dành thời gian và tâm huyết với công việc sẽ đảm nhận. Quan trọng hơn, bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy bạn hoàn toàn có đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm bạn ứng tuyển, thậm chí, có thể sẽ trở thành một nhân viên tiềm năng cho các vị trí cao hơn.

Khi trả lời bất cứ câu hỏi nào, hãy lưu ý về việc cần phải đi ngay vào nội dung trọng tâm của câu hỏi, tránh tuyệt đối việc lan man, không tập trung vào vấn đề. Giao tiếp với nhà tuyển dụng cũng như giao tiếp với người khác, bạn cần hiểu rõ đối phương muốn gì và mục đích của câu chuyện là gì.

Hãy trả lời thẳng thắn các câu hỏi, giải quyết các vấn đề dứt khoát. Điều đó sẽ cho thấy sự tự tin của bạn. Tuy nhiên, không nên ngắt lời đối phương vì đó là sự không tôn trọng.

Trong bất cứ cuộc phỏng vấn hay trò chuyện trước hoặc sau cuộc phỏng vấn, bạn không nên nhắc tới các nội dung liên quan tới tôn giáo, dân tộc, giới tính. Đây là các vấn đề thuộc tính cá nhân rất cao, không bày tỏ quan điểm cũng là một sự tôn trọng khéo léo, tinh tế.

Không ngoại trừ trường hợp nhà tuyển dụng đã quan tâm tới hồ sơ của bạn hoặc các thông tin khác về bạn. Do đó, bạn càng thể hiện sự chân thành trong lời nói, ánh mắt, cử chỉ, bạn càng ghi điểm với nhà tuyển dụng.

ky-nang-giao-tiep-2.jpg
Hãy lắng nghe, tôn trọng đồng nghiệp sẽ mang lại kết quả tốt trong công việc.

Tôn trọng, lắng nghe đồng nghiệp

Thói quen giao tiếp cẩu thả nơi công sở đôi khi cản trở con đường tiến thân của bạn. Điển hình như việc bạn chỉ liên lạc, trò chuyện với người này, người kia khi cần tới họ.

Sau khi xong việc, bạn thường không liên lạc, thậm chí không trả lời thư hay điện thoại hỏi thăm họ. Điều này sẽ khiến những người từng giúp đỡ bạn cảm thấy bị lợi dụng. Họ sẽ không tiếp tục dành cho bạn sự quan tâm nữa.

Bạn cũng có thể “quên” nói lời cảm ơn hoặc xin lỗi bởi quá bận rộn hoặc đơn giản là bạn không muốn hạ thấp bản thân trước người khác. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến bạn trở nên mờ nhạt hơn trong mắt mọi người bởi ai cũng sẽ nghĩ bạn là người tuỳ tiện.

Trong giao tiếp với đồng nghiệp, bạn có thể không tiết lộ thông tin chứ không nên nói dối dù nội dung có là gì đi nữa. Sự chân thật, thẳng thắn cũng chính là sự tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ đồng nghiệp. Lời nói dối của bạn chỉ khiến tình hình trở nên khó khăn hơn bởi đồng nghiệp sẽ không tin tưởng bạn nữa.

Để tạo nên mối quan hệ WIN – WIN giữa đôi bên, bạn cần phải biết lắng nghe đồng nghiệp. Không lắng nghe thì bạn không hiểu vấn đề của đồng nghiệp cũng như không thể tìm ra tiếng nói chung giữa đôi bên, không đưa ra được giải pháp thúc đẩy công việc tốt hơn. Không biết lắng nghe cũng sẽ khiến bạn mất đi cơ hội và làm giảm năng suất làm việc.

Trong giao tiếp, những người luôn nói những lời tiêu cực, chê bai mọi thứ, không hài lòng với mọi thứ… đều làm giảm hứng thú làm việc của đồng nghiệp. Không ai muốn ở gần người mang năng lượng tiêu cực như vậy. Bạn hãy nhớ rằng không ai phải có trách nhiệm với cảm xúc của bạn trừ bạn. Do đó, cần kiểm soát cảm xúc của mình để không làm ảnh hưởng tới đồng nghiệp. Nếu cảm thấy bi quan, chán nản, buồn bã.. bạn có thể xin nghỉ ít ngày cho đến khi tìm lại cảm hứng làm việc.

Kỹ năng giao tiếp nơi công sở rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường làm việc và mức độ thăng tiến trong sự nghiệp của bạn. Do đó, hãy nắm lấy bí kíp giao tiếp, luyện tập và rút ra bài học cho bản thân để bạn trở nên chuyên nghiệp hơn và đáng tin cậy hơn.

Bài liên quan
Thành công từ kỹ năng giao tiếp khéo léo, thông minh
(GDTĐ) - Giao tiếp tốt không chỉ tạo ra cuộc trò chuyện, trao đổi thông tin mà còn là cách bạn thể hiện bản thân thông qua hành động, lời nói, thái độ, cử chỉ một cách hợp lý để người giao tiếp với bạn hiểu và có sự cảm thông, chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí kíp giao tiếp gây ấn tượng nơi công sở