Rèn luyện và phát triển kỹ năng giao tiếp như thế nào?
Đầu tiên là phải học cách lắng nghe. Sau khi lắng nghe, bạn phải thấu hiểu và tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương chia sẻ được hết các nội dung cần diễn giải và trao đổi.
Học cách vận dụng ngôn ngữ cử chỉ “phản chiếu”, tức là có hành động giống như người đang nói chuyện cùng mình một cách khéo léo, tế nhị. Ví dụ, nếu người tuyển dụng đang ngả người về phía trước, bạn cũng nên làm như vậy. Hãy lưu ý rằng, đến 90% giao tiếp của chúng ta là phi ngôn ngữ. Do đó, cần vận dụng tốt ngôn ngữ cử chỉ để thể hiện một phần cá tính của bản thân, giúp đối phương hiểu được cảm nhận của bạn.
Bạn cần tạo sự thân thiện trong giao tiếp dù ở bất cứ môi trường, điều kiện nào. Điều này giúp bạn có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với nhiều người xung quanh hơn. Giao tiếp thân thiện cũng giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp khéo léo, tinh tế và hiệu quả hơn.
Điều quan trọng nhất là bạn cần tự tin khi giao tiếp dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Sự tự tin không chỉ củng cố vị thế của bạn trong cuộc trò chuyện mà còn giúp bạn đạt được mục tiêu giao tiếp nhanh hơn. Sự tự tin cũng giúp tạo ấn tượng tốt đẹp về bạn trong tâm trí đối phương, củng cố mối quan hệ giữa đôi bên, từ đây mở ra những cơ hội mới. Hãy cứ ngẩng cao đầu, nói dõng dạc, dứt khoát, kiểm soát tốt ngữ âm, ngữ điệu, tông giọng, trình bày thẳng thắn, có trọng tâm.
Bạn cần phải tạo sự đồng cảm, tôn trọng giữa hai bên trong cuộc trò chuyện. Sự đồng cảm là bạn biết đặt bản thân vào suy nghĩ của người khác, lúc này, bạn cảm nhận và thấu hiểu rõ được lý do và hành động của đối phương, tìm ra điểm chung của nhau. Khi bạn thấy đồng cảm với câu chuyện của đối phương thì cũng là lúc bạn biết lắng nghe và thấu hiểu người khác.
Bạn cũng cần phải có tư duy cởi mở trong giao tiếp nhằm giúp bạn chủ động chia sẻ và tiếp nhận kiến thức, thông tin mới. Tư duy cởi mở còn giúp bạn tránh được những cãi vã không cần thiết nếu gặp phải các quan điểm khác biệt.
Kỹ năng viết đặc biệt quan trọng trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Một số công việc liên quan với sản xuất nội dung như marketing, blog, phiên dịch… rất cần kỹ năng viết. Đơn giản hơn là viết báo cáo, viết email trao đổi công việc… Dù ở vị trí nào bạn cũng cần phải diễn đạt minh bạch bằng ngôn ngữ viết.
Bạn hãy nhớ, với bất cứ một cuộc nói chuyện nào, bạn cũng cần có sự chuẩn bị trước về nội dung, tâm thế… Đặc biệt, bạn cần nhớ tên người sẽ trao đổi với bạn để tạo bầu không khí thân mật ngay câu chào hỏi đầu tiên. Trong trường hợp bạn cần tiếp xúc với một nhóm đối tượng khác nhau thì bản thân bạn cần có sự linh hoạt về phong cách trò chuyện sao cho phù hợp với từng đối tượng. Hãy đảm bảo bạn luôn có sự bao quát tất cả mọi người để không bị bỏ sót bất cứ ai trong cuộc trò chuyện.
Giao tiếp là một kỹ năng cần phải rèn luyện mỗi ngày. Do đó, người giao tiếp tốt còn là người biết tiết chế cảm xúc của chính bản thân trước đối tượng và trong suốt cuộc trò chuyện. Quản lý cảm xúc cũng là quản lý không khí của cuộc nói chuyện, góp phần giúp đôi bên đạt được mục tiêu của cuộc giao tiếp.
Hãy rèn luyện mỗi ngày để giao tiếp tốt hơn, hiệu quả hơn, mở ra những vận hội mới trong công việc và sự nghiệp.
(Còn tiếp)