Những phiên đấu giá sau đó có dấu hiệu "hạ nhiệt", biển "siêu đẹp" 51K-777.77 chỉ được đấu với giá hơn 3 tỉ đồng và nhiều biển được trúng bằng đúng giá khởi điểm 40 triệu đồng.
Theo quy chế, giá khởi điểm của một biển số xe ôtô là 40 triệu đồng, mỗi bước giá 5 triệu đồng. Người tham gia đấu giá cần đặt trước 40 triệu đồng cho mỗi biển số muốn tham gia và 100.000 đồng phí hồ sơ.
Trường hợp trúng đấu giá, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá (trừ đi 40 triệu đồng đã đặt trước) vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an. Nếu không trúng đấu giá, số tiền 40 triệu đồng đặt trước sẽ được hoàn trả cho khách hàng đấu giá biển số trong vòng 3 ngày làm việc, biển số xe sẽ tiếp tục đưa ra đấu giá ở các phiên tiếp theo.
Tại buổi họp thường kỳ quý III Bộ Công an hôm 2-10, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết trong 9 ngày (từ 15-9 đến 23-9), Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã đấu giá được 493 biển số xe ôtô, dự kiến thu 214 tỉ đồng. Đến ngày 30-9, đã 76 người hoàn thành nghĩa vụ tài chính nộp gần 17 tỉ đồng, có 3 người đã đến lấy đăng ký xe.
Đề cập về trường hợp trúng đấu giá rồi bỏ tiền cọc, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, cho biết pháp luật quy định rất rõ về trách nhiệm tại Nghị quyết 73 và Nghị định số 39. "Chúng tôi nhận về những ý kiến băn khoăn trong đó có việc người trúng đấu giá bỏ cọc. Ngoài quy định hiện hành, chúng tôi thấy điều quan trọng nhất là ý thức thượng tôn pháp luật của người tham gia đấu giá, người đó phải có trách nhiệm với xã hội, danh dự bản thân..."- ông Đức nêu rõ.
Sau đó, nhà chức trách xác định 6/11 biển số xe được đưa đấu giá trong ngày đầu tiên 15-9 đã bỏ cọc. Trong đó có các biển như: 51K-888.88 (TP HCM, giá trúng trước đó 32,34 tỉ đồng); 30K-555.55 (Hà Nội, giá trúng trước đó 14,12 tỉ đồng); 30K-567.89 (Hà Nội, 13,075 tỉ đồng); 36A-999.99 (Thanh Hóa, 7,47 tỉ đồng), 98A-666.66 (Bắc Giang, 3,075 tỉ đồng), 47A-599.99 (Đắk Lắk, 1,37 tỉ đồng).