Biếu quà Tết lãnh đạo: Vì sao cấm cứ cấm, biếu cứ biếu?

Theo Hải Hà-Nguyễn Yên | 16/01/2023, 13:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chuyện biếu tặng quà Tết lãnh đạo, vì sao cấm cứ cấm, biếu cứ biếu? Thông qua việc biếu quà, bản chất là động cơ, mục đích gì?

Biếu quà Tết lãnh đạo: Vì sao cấm cứ cấm, biếu cứ biếu? - Ảnh 2.

Chỉ khi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có ý thức tự giác và mạnh dạn từ chối nhận quà thì “tệ tặng quà” mới có hy vọng được giải quyết

Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện được một số vụ việc, trong đó có trường hợp hai cựu lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai nhận hối lộ số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, chủ yếu thông qua hình thức tặng quà dịp lễ, Tết.

Theo nguyên đại biểu quốc hội Lê Như Tiến, người nổi tiếng về những tuyên chiến mạnh mẽ với tham nhũng, đây là biểu hiện cụ thể của sự biến tướng từ việc biếu tặng quà vào mỗi dịp Tết. Và thực tế, không hiếm những món quà Tết mang tính hối lộ trá hình, nhằm xin - cho, vụ lợi.

"Quà Tết ở đây không mang ý nghĩa nhân văn và tình cảm trong đó mà nó là một thứ hối lộ với giá trị vật chất rất lớn để chờ đợi một cơ hội, năm mới anh cho em một vị trí cao hơn, hoặc sang năm mới, anh duyệt cho em dự án cả trăm tỷ đồng. Quà Tết này chính là hối lộ trá hình và chúng ta cần những giải pháp để ngăn chặn", đại biểu Lê Như Tiến nói.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển cũng nhìn nhận, nhiều năm nay, chúng ta đều đưa ra Chỉ thị về tặng quà Tết nhưng thực tế cho thấy, việc biếu quà Tết như một cách thức để người ta đút lót vẫn còn tồn tại khiến người dân bức xúc. Điều này xuất phát từ lòng tham, từ mưu cầu cơ hội của con người

"Người nhận quà xuất phát từ lòng tham, còn người tặng quà thì lợi dụng để được trục lợi, nó là mặt trái của kinh tế thị trường hiện nay, còn trong văn hóa truyền thống thì chuyện tặng quà nó không mang tính thực dụng, nó mang tính văn hóa, tinh thần nhiều hơn.

Còn bây giờ, nhận quà và tặng quà là một biểu hiện của nền kinh tế ngầm nó được biểu hiện ra nhân ngày Tết, nhân nét văn hóa của dân tộc",PGS.TS Lê Quý Đức cho biết.

TS. Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm: nếu quà Tết là gói tiền to thì nó không còn là quà. Các chỉ thị cấm biếu quà Tết nhằm ngăn chặn các hình thức biến tướng, lợi dụng quà tặng để biếu xén, hối lộ, chạy chức, chạy quyền… nhưng nó vẫn chỉ là văn bản hành chính nên chẳng cơ quan hay doanh nghiệp nào thừa nhận là không thực hiện nghiêm túc.

Trong khi những người thực hiện việc này đều có động cơ, mục đích rõ ràng nên nếu không nhìn nhận đúng bản chất vấn đề thì việc dẹp bỏ vấn nạn hối lộ, tham nhũng thông qua quà Tết là vô cùng nan giải.

Ông Nguyễn Viết Chức cho biết thêm: "Những người cố tình mua chuộc, chạy chức chạy quyền để kiếm lợi thì họ có nhiều cách với nhiều hình thức biến tướng khác. Rất nhiều chỉ thị nhưng nếu cán bộ cứ cố tình như vậy thì phải xử lý nghiêm.

Đảng đang rất nghiêm túc xử lý các hiện tượng không chỉ tham nhũng mà còn tiêu cực; tìm ra, chỉ rõ những cách biến tướng để không cho những người biếu xén cơ hội thăng tiến mà chỉ ra cho họ thấy thì tự dưng hiện tượng này sẽ giảm đi".

Dù hàng năm, người đứng đầu Chính phủ và các địa phương, các cơ quan đơn vị đều rốt ráo chỉ đạo nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết, nhưng việc tặng quà Tết vẫn diễn ra với nhiều hình thức, cách thức mới. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là những lo ngại về sợ mất việc hay mong muốn được đề bạt lên những vị trí cao hơn.

Do vậy, chỉ khi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có ý thức tự giác và mạnh dạn từ chối nhận quà thì “tệ tặng quà” mới có hy vọng được giải quyết./.

Theo VOV
https://vov.vn/xa-hoi/bieu-qua-tet-lanh-dao-vi-sao-cam-cu-cam-bieu-cu-bieu-post996723.vov
Copy Link
https://vov.vn/xa-hoi/bieu-qua-tet-lanh-dao-vi-sao-cam-cu-cam-bieu-cu-bieu-post996723.vov
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biếu quà Tết lãnh đạo: Vì sao cấm cứ cấm, biếu cứ biếu?