Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách đối với nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Nguyên nhân do các cơ sở giáo dục NCL có quy mô nhỏ, ngoài tiền lương theo thỏa thuận, giáo viên không có chế độ chính sách hỗ trợ khác nên đời sống chưa bảo đảm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Nhiều nhà giáo chưa yên tâm gắn bó với nghề, hoặc phải đồng thời tìm kiếm các công việc khác vì cuộc sống. Một số chính sách đặc thù của ngành Giáo dục như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng mặc dù không hạn chế đối với nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài nhưng số lượng nhà giáo được tiếp cận và thực hiện các chính sách này chưa nhiều, chưa đồng bộ…
Ảnh minh họa Internet. |
Bên cạnh đó, công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chính sách nhà giáo NCL, người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam của cơ quan quản lý giáo dục các cấp cũng gặp nhiều khó khăn, như việc chưa có thông tin, dữ liệu đầy đủ về nhà giáo người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam. Trong đó, một số cơ sở giáo dục NCL chưa khai báo đầy đủ về số liệu nhà giáo người nước ngoài trên cơ sở dữ liệu ngành.
Quy định về nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành (kể cả luật) chưa được tường minh; một số quy định chung đối với nhà giáo chưa phù hợp với thực tiễn đội ngũ nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài nên thiếu chế tài để thực hiện công tác quản lý đối với đội ngũ này.
Nhân sự (kể cả nhà giáo, cán bộ quản lý người nước ngoài) tại các đơn vị có nhiều biến động, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý cũng như theo dõi, nắm bắt thông tin. Các chính sách về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội đối với nhà giáo NCL, người nước ngoài được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động và theo thỏa thuận giữa nhà giáo và cơ sở giáo dục nên trong trường hợp giáo viên bị thiệt thòi về chính sách thì Nhà nước cũng khó có thể kiểm soát hoặc can thiệp.
- Xin ông cho biết một số định hướng về đề xuất chính sách đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục NCL, người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong thời gian tới?
- Để tăng cường công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài; bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý giữa nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập và NCL, nhà giáo người nước ngoài; tăng cường việc liên kết, hợp tác quốc tế trong giáo dục, thu hút nhà giáo người nước ngoài có năng lực, trình độ cao tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT dự kiến triển khai một số hoạt động như sau:
Phối hợp với các cơ sở giáo dục để hoàn thiện thông tin về đội ngũ nhà giáo NCL và nhà giáo người nước ngoài trên hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành. Tiếp tục tổ chức các hoạt động rà soát hệ thống chính sách hiện hành và khảo sát thực trạng, từ đó nhận diện những vấn đề bất cập còn tồn tại để có giải pháp phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam. Nghiên cứu, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của đội ngũ nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài.
Cùng với đó, tham mưu để có chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên NCL được tham gia các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý.
Nghiên cứu, đề xuất một số nội dung chính sách trong Luật Nhà giáo để quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo NCL, người nước ngoài, bảo đảm sự bình đẳng về vị thế, quyền lợi và trách nhiệm giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và NCL như: Định danh, xác định vị trí, vai trò, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; chính sách đào tạo, bồi dưỡng; thu hút nhà giáo người nước ngoài có năng lực, trình độ cao tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam; liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
- Xin cảm ơn ông!
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn từ năm 2022 - 2025, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật hiện hành về nhà giáo và các vấn đề liên quan. Để phục vụ việc này, Bộ GD&ĐT đã và sẽ tổ chức chuỗi hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để có cơ sở tiếp tục đề xuất chính sách cho đội ngũ. - TS Vũ Minh Đức