Bình đẳng công - tư trong quản lý đội ngũ nhà giáo người nước ngoài, ngoài công lập

Nguyễn Nhung (Thực hiện) | 24/07/2022, 16:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (NCL), nhà giáo người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành.

Tuy nhiên, theo TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), chính sách đối với đội ngũ này còn nhiều bất cập nên phải bổ sung, hoàn thiện trong dự thảo Luật Nhà giáo.

- Bức tranh đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục NCL, nhà giáo người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Theo số liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành, tính đến tháng 6/2022, cả nước có khoảng 160 nghìn nhà giáo đang làm việc trong các cơ sở giáo dục NCL từ mầm non đến đại học (trong đó, có 150.584 giáo viên, giảng viên, 9.502 cán bộ quản lý giáo dục).

Đối với nhà giáo là người nước ngoài, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 10 nghìn người tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và số lượng này có sự biến động thường xuyên.

Nhà giáo người nước ngoài tại Việt Nam làm việc trong nhiều đơn vị khác nhau: Cơ sở giáo dục NCL của cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, đại học (bao gồm cả cơ sở có vốn đầu tư của Việt Nam và vốn đầu tư nước ngoài); trong các cơ sở giáo dục công lập có chương trình chất lượng cao, chương trình song bằng…

Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục NCL, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam có trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng với yêu cầu của công tác giảng dạy. Do đặc thù công tác tuyển dụng linh hoạt, có sự thay đổi, luân chuyển thường xuyên nên đội ngũ nhà giáo NCL hiện nay (nhất là đội ngũ giáo viên cơ hữu), nhà giáo người nước ngoài đa phần có tuổi đời, tuổi nghề trẻ, năng động, yêu nghề, nhiệt tình trong công tác, tác phong làm việc khoa học, tiếp cận nhanh với ứng dụng công nghệ trong hoạt động dạy và học.

Bình đẳng công - tư trong quản lý đội ngũ nhà giáo người nước ngoài, ngoài công lập ảnh 1

TS Vũ Minh Đức.

- Ông đánh giá như thế nào về chính sách đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục NCL, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

- Các cơ sở giáo dục NCL một mặt hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp; nhưng mặt khác lại chịu sự quản lý của Nhà nước về mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục NCL, do đó, vừa là người lao động, thực hiện các quy định theo Luật Lao động và Luật Doanh nghiệp nhưng mặt khác lại thực hiện nhiệm vụ của ngành GD-ĐT.

Một số chế độ, chính sách đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục NCL, nhà giáo người nước ngoài được thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành: Hưởng lương, phụ cấp theo thỏa thuận hợp đồng lao động ký kết với nhà đầu tư; bảo đảm mức lương tối thiểu vùng theo quy định đối với người lao động, được tham gia bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ... Các chính sách đặc thù của ngành Giáo dục (đào tạo, bồi dưỡng; tôn vinh, khen thưởng…) được áp dụng, thực hiện đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục NCL, người nước ngoài với mức độ khác nhau tùy vào điều kiện của cơ sở giáo dục cũng như chủ trương của từng địa phương.

Trong những năm gần đây, một số địa phương đã quan tâm, ban hành một số chính sách hỗ trợ riêng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục NCL. Ví dụ: Thành phố Hà Nội ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục trên địa bàn, đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện phát triển giáo dục mầm non NCL, khu công nghiệp và chính sách cho người lao động, con em công nhân làm việc trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh.

Tỉnh Thái Nguyên cũng ban hành chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non, trẻ em mầm non, giáo viên mầm non dân lập, tư thục liên quan đến khu công nghiệp.

Tỉnh Thanh Hóa quy định hỗ trợ kinh phí cho chủ đầu tư của các trường mầm non NCL trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn cho cán bộ quản lý, giáo viên. Thành phố Hải Phòng có chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên mầm non dân lập, tư thục…

Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách đối với nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Nguyên nhân do các cơ sở giáo dục NCL có quy mô nhỏ, ngoài tiền lương theo thỏa thuận, giáo viên không có chế độ chính sách hỗ trợ khác nên đời sống chưa bảo đảm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Nhiều nhà giáo chưa yên tâm gắn bó với nghề, hoặc phải đồng thời tìm kiếm các công việc khác vì cuộc sống. Một số chính sách đặc thù của ngành Giáo dục như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng mặc dù không hạn chế đối với nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài nhưng số lượng nhà giáo được tiếp cận và thực hiện các chính sách này chưa nhiều, chưa đồng bộ…

Bình đẳng công - tư trong quản lý đội ngũ nhà giáo người nước ngoài, ngoài công lập ảnh 2

Ảnh minh họa Internet.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chính sách nhà giáo NCL, người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam của cơ quan quản lý giáo dục các cấp cũng gặp nhiều khó khăn, như việc chưa có thông tin, dữ liệu đầy đủ về nhà giáo người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam. Trong đó, một số cơ sở giáo dục NCL chưa khai báo đầy đủ về số liệu nhà giáo người nước ngoài trên cơ sở dữ liệu ngành.

Quy định về nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành (kể cả luật) chưa được tường minh; một số quy định chung đối với nhà giáo chưa phù hợp với thực tiễn đội ngũ nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài nên thiếu chế tài để thực hiện công tác quản lý đối với đội ngũ này.

Nhân sự (kể cả nhà giáo, cán bộ quản lý người nước ngoài) tại các đơn vị có nhiều biến động, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý cũng như theo dõi, nắm bắt thông tin. Các chính sách về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội đối với nhà giáo NCL, người nước ngoài được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động và theo thỏa thuận giữa nhà giáo và cơ sở giáo dục nên trong trường hợp giáo viên bị thiệt thòi về chính sách thì Nhà nước cũng khó có thể kiểm soát hoặc can thiệp.

- Xin ông cho biết một số định hướng về đề xuất chính sách đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục NCL, người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong thời gian tới?

- Để tăng cường công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài; bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý giữa nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập và NCL, nhà giáo người nước ngoài; tăng cường việc liên kết, hợp tác quốc tế trong giáo dục, thu hút nhà giáo người nước ngoài có năng lực, trình độ cao tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT dự kiến triển khai một số hoạt động như sau:

Phối hợp với các cơ sở giáo dục để hoàn thiện thông tin về đội ngũ nhà giáo NCL và nhà giáo người nước ngoài trên hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành. Tiếp tục tổ chức các hoạt động rà soát hệ thống chính sách hiện hành và khảo sát thực trạng, từ đó nhận diện những vấn đề bất cập còn tồn tại để có giải pháp phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam. Nghiên cứu, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của đội ngũ nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài.

Cùng với đó, tham mưu để có chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên NCL được tham gia các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý.

Nghiên cứu, đề xuất một số nội dung chính sách trong Luật Nhà giáo để quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo NCL, người nước ngoài, bảo đảm sự bình đẳng về vị thế, quyền lợi và trách nhiệm giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và NCL như: Định danh, xác định vị trí, vai trò, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; chính sách đào tạo, bồi dưỡng; thu hút nhà giáo người nước ngoài có năng lực, trình độ cao tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam; liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

- Xin cảm ơn ông!

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn từ năm 2022 - 2025, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật hiện hành về nhà giáo và các vấn đề liên quan. Để phục vụ việc này, Bộ GD&ĐT đã và sẽ tổ chức chuỗi hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để có cơ sở tiếp tục đề xuất chính sách cho đội ngũ. - TS Vũ Minh Đức

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình đẳng công - tư trong quản lý đội ngũ nhà giáo người nước ngoài, ngoài công lập