Một ngày tháng Bảy, trở lại với 'Bến không chồng' ở Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) thấy sao mà bình yên, thư thả.
Sông Đình vẫn trong vắt, uốn lượn bên làng Đông trù phú.
“Nhân chứng” đặc biệt ấy lặng lẽ trôi chảy cùng những phận người bước ra từ cuộc chiến và trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm văn học được nhà văn Dương Hướng viết cách đây hơn 30 năm…
6 giờ sáng, nắng Hè phủ vàng “Bến không chồng”. Dòng nước lấp lánh ánh bạc đuổi nhau theo chiều gió Nam. Con thuyền nhỏ thảnh thơi gác lưới. Thi thoảng có tiếng cá quẫy, tôm búng càng… tạo những vòng tròn loang xa…
Nhờ bóng cây đa tỏa rộng mà Khu bia lưu niệm “Bến không chồng” có phần dịu mát ở bậc lên xuống bức phù điêu và bến sông… như chờ đón ai đó dừng chân, thư thả hưởng cái yên bình, trong lành hôm nay để rồi bâng khuâng nhớ về những tháng ngày chiến tranh gây ra biết bao mất mát, đau thương cho người làng Đông nói riêng và ở biết bao làng quê khác.
“Tôi và đám bè bạn đã lớn lên ở làng Đông chỉ có những người phụ nữ nghèo khổ tự mình gồng gánh, chống đỡ mọi việc, mọi tai ương cùng nỗi thấp thỏm ngóng chờ tin chồng con nơi mặt trận, đằng đẵng suốt hàng chục năm trời như thế. Những mất mát này là bởi chiến tranh! Hòa bình rồi thì nơi đây lại bình yên trong những tổ ấm gia đình”. Bà Vũ Thị Duyên, thôn Trung An, Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình
Chắc chắn rằng, trên dải đất hình chữ S sẽ có nhiều “Bến không chồng” như bến sông Đình được nhà văn Dương Hướng tái hiện chân thực, sống động trong tiểu thuyết. Có điều, không ai muốn gọi thành tên vì chỉ với một “Bến không chồng” làng Đông này đã đủ khái quát về nỗi đau thời chiến nếu ở chiến trường nó luôn trực diện và kết thúc tại một thời điểm thì nơi hậu phương nó nín lặng thấm sâu, kéo dài như bóng ma vô hình bóp nghẹt biết bao phận người.
Cũng từ đây, thế hệ hôm nay thấy được giá trị của độc lập, hòa bình đâu chỉ ở chiến trường bừng bừng lửa đạn mà còn được xây đắp từ những âm thầm mất mát, hy sinh của các bà, các mẹ, các chị nơi hậu phương.
Vẫn còn đó nỗi xót xa, đớn đau khi nhớ về mối tình Hạnh - Nghĩa, đôi trai gái thắm tình lứa đôi từ thuở thanh mai trúc mã nhưng tan vỡ bởi hậu quả chiến tranh và hủ tục dòng họ.
Thoạt đầu những tưởng duyên kia sẽ mãi mãi bền chặt khi họ dám vượt qua lời nguyền giữa hai dòng tộc Vũ - Nguyễn có mối thù truyền kiếp: “Nước sông Đình ngàn năm không cạn/ Cầu Đá Bạc vạn kiếp trơ trơ/ Bến Tình còn đẹp còn mơ/ Mối thù họ Vũ bao giờ mới nguôi”.
Đám cưới thì được Đoàn Thanh niên tổ chức theo đời sống mới còn tuần trăng mật trở thành cổ tích khi đôi uyên ương ấy lấy bầu trời là nhà, thảm cỏ ven sông Đình là giường hạnh phúc.
Rồi Nghĩa vào bộ đội, biền biệt để Hạnh vò võ trong nỗi nhớ thương: “Mãi đến khi Nghĩa đi, Hạnh mới âm thầm tự làm lấy chiếc gối đôi thêu bông hoa hồng đỏ thắm và đôi chim, con bay con đậu. (…) Chiếc gối khâu bằng vải pô-pơ-lin trắng, dài tới tám mươi phân, mỗi lần đem ra sông Đình giặt, Hạnh phải giấu không muốn để ai nhìn thấy sợ người ta quở, khi phơi Hạnh cũng mang ra tận ngoài vườn chuối để phơi cho đỡ chướng”.
Ngày Nghĩa trở về với quân hàm Thiếu tá, những mong bù đắp cho Hạnh trong bao tháng năm thủy chung chờ chồng, tủi cực làm dâu. Vậy nhưng, cái kết lại là sự tan đàn xẻ nghé cùng nỗi oan thấu trời - không có con - đến cô cũng tưởng là thật khi bật thốt trong nỗi đau cùng cực: “Chả lẽ mọi người đàn bà không có con đều bỏ đi?”.
Còn đây, nỗi héo mòn của những người con gái làng Đông như Dâu, Thắm, Cúc, Thoa… trong nỗi ngóng trông người thương của mình trở về. Và những cái kết không có hậu cứ thế lẳng lặng gieo xuống họ.
Người thương của Dâu nằm lại mãi nơi chiến trường để cô đành nương nhờ cửa Phật những tháng ngày cuối đời cùng niềm tiếc nuối: “Dâu lại thấy nuối tiếc giây phút tuyệt vời ngồi bên Hiệp ở ngoài bến sông xưa. Anh ấy thiết tha mà mình lại gạt phăng. Lại còn động viên “Anh cứ đi đi. Năm năm, mười năm em vẫn chờ”. Bây giờ thì anh lại chẳng bao giờ về nữa…”.
Còn 3 người kia trở về nhưng mang theo đó những bi kịch đắng cay: Hân đào ngũ nên Thoa mang trả trầu cau, ở vậy. Thấu đưa gia đình vào Nam cưới vợ bỏ quên hẳn Thắm - người đàn bà cả nghĩ thương anh pháo thủ thơ ngây chưa biết mùi đàn bà vào chiến trường không biết sống chết ra sao nên trong lúc căm ghét người chồng bội bạc cô trao thân, nhận quả ngọt rồi cũng ngóng chờ nhưng…
Nhất là Cúc, còn gì đau xót hơn khi Thành về đấy mà không phải là Thành: “Anh Thành bị bom cháy toàn thân, mặt sần sùi phồng rộp lên đỏ lừ. Khi anh Thành khoác ba lô về, đến cả bố mẹ anh ấy cũng không nhận ra con mình”. Đem trả trầu cau mà lòng Cúc là những dằn vặt ngổn ngang, cuối cùng đành mang phận lẽ mọn.
Bao trùm lên tất cả là nỗi đau đớn, mất mát của bà Nhân, vợ liệt sĩ chống Pháp có hai con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Bà không còn nước mắt để rơi khi linh cảm về đứa con trai út: “Ngày hôm qua, tôi tình cờ nhìn thấy mấy ông trên xã đi qua, ông nào cũng liếc mắt nhìn vào nhà tôi. Thế là tôi hiểu ngay có sự. Và đúng cái sự mà tôi đã linh cảm thấy từ lâu”.
Với cô con gái sớm hôm ở bên, bà phải trực tiếp chứng kiến và đi cùng cuộc đời bi kịch chồng bi kịch của Hạnh. Thấy con thất bại trở về bà chỉ biết than: “Ôi cả một đời con gái đi lấy chồng sao lại đến nông nỗi này hả con?”.
Còn người thương binh ở chiến trường Điện Biên dũng cảm xông trận, xuất ngũ trở về cùng tấm huân chương lấp lánh là ông Vạn luôn hăng hái tham gia xây dựng đời sống mới, chiến đấu với những hủ tục vẫn tồn tại trong các dòng họ làng Đông.
Song sau cùng tất cả đều nhạt nhòa theo thời gian: “Giờ đây nhiều lúc Vạn quên béng mình đã từng là một quân nhân. Cái thời oanh liệt trên chiến trường Điện Biên và cái thời đêm đêm một mình vác súng ra nằm trên trốc lò gạch săn máy bay Mỹ bay thấp đã xa lắc xa lơ. Nhưng thi thoảng có lúc nào nghĩ đến, ánh hào quang một thời chỉ sáng lóe lên trong tâm trí Vạn như ngôi sao băng qua trời đêm rồi vụt tắt”.
Và sự thất bại lớn nhất trong cuộc đời ông Vạn, bà Nhân là hai người đã không dám đấu tranh cho khao khát chính đáng của bản thân, không dám vượt qua định kiến dòng họ, xã hội vì danh dự đang mang lớn lao, nặng nề quá. Ông Vạn chấp nhận đi đến cái kết bi thảm để người trẻ được sống. Tiếng than: “Ôi con người ta có biết bao nhiêu tội lỗi” của ông vẫn lưu đó.
Có thể thấy, câu chuyện năm xưa là chuỗi dài nước mắt đắng cay của những người đàn bà làng Đông bản lĩnh, giỏi giang. Nếu không có chiến tranh thì họ đã thắm những mối duyên tình từ bến sông Đình trăng thanh, gió mát và chắc chắn khi đó nơi đây hay ở nhiều bến sông khác sẽ chẳng bao giờ có cơ hội mang cái tên đắng đót vọng mãi mai sau: “Bến không chồng” - điều không ai mong muốn.
Bức phù điêu chế tác từ đá gợi dáng hình thiếu phụ bồng con ngóng trông chồng đi chính chiến trở về - điểm nhấn của Khu bia lưu niệm “Bến không chồng” - được nắng sớm mai dát vàng.
Dòng chữ: “Bến sông này cùng với mảnh đất con người nơi đây đã đi vào đời sống văn học nghệ thuật ghi một dấu ấn sâu sắc như bản tình ca bi tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại…” thêm phần lấp lánh.
Phía bên kia bến, bà lão lưng đã còng mang chậu quần áo ra giặt. Bà ấy tên Duyên, họ Vũ làng Đông, năm nay gần 70 tuổi. Dù khách mới cất lời chào nhưng bà xác nhận ngay, đây là “Bến không chồng” vì thời chiến đàn ông ra trận hết, chỉ có đàn bà ở nhà thành góa bụa.
Ngày ấy, chốn này cỏ cây um tùm chỉ “trống” cái bến cát thoải để người làng Đông xuống giặt giũ, tắm táp đôi bờ. Giờ hai bên được xây bậc và trồng cây đa, hàng dừa nhìn thoáng đãng. Cây quéo cổ thụ như điểm đánh dấu cho mọi người nhận ra làng nay không còn nữa vì bị bật gốc hồi mưa bão. Thế vào đó là cây đa phần nào tốt tươi.
Hướng mắt về những ngôi nhà ven sông, bà Duyên chỉ dẫn: “Kia, nhà có tấm tôn đỏ là nhà ông Đột - Chủ tịch xã có trong tiểu thuyết của ông Dương Hướng. Hồi trước, ông ấy và con trai vẫn kéo vó ở bến này nhưng ông ấy mất mấy năm nay rồi”.
Thảo nào, quãng mười năm trước có dịp qua đây, khi bến này chưa có khu bia lưu niệm, tôi có gặp người đàn ông nhỏ gầy kéo vó. Hỏi về “Bến không chồng”, người đàn ông ấy liền khoe: “Tôi là con ông chủ tịch Đột đây” rồi vừa kéo vó vừa cười vui.
Lần này may mắn gặp bà Duyên cũng vô cùng xởi lởi, nhiệt tình. Bà dẫn khách đi vào làng Đông và gần như qua nhà nào bà cũng bảo đây là nhà có liệt sĩ, không chỉ một mà đến tận hai, ba người.
Bà nhắc đến bà Vòng có chồng đi bộ đội rồi hy sinh cùng giấc mơ: “Bà Vòng kể, suốt ngày bà ấy mơ chồng về vuốt tóc. Bà ấy bảo, chỉ ước chồng trở về, kể cả thế nào cũng được, ý là ông ấy có mang thương tật hay chất độc da cam… bà ấy cũng cam lòng, không quản gì việc chăm sóc, yêu thương”.
Lặng một chút, bà Duyên kể chuyện bà Thái sinh được anh Mừng rất đẹp trai cũng lên đường nhập ngũ kháng chiến chống Mỹ. Bà ấy vốn xinh giòn, hay tươi cười trò chuyện với xóm làng. Nhưng từ khi nhận giấy báo tử của con, bà chỉ chắp tay đằng sau đứng nhòm xuống cùng nét mặt buồn rười rượi, không cười, nói. Năm nay bà ấy đã ngoài 90.
Cũng ở làng Đông, nhà bà Nhâm có 2 con đi kháng chiến và đều hy sinh. “Cùng với từ đường họ Vũ, nhà bà ấy còn là một trong những nơi đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng. Miệng hầm được ngụy trang bằng cái cối xay thóc đặt lên.
Đường hầm này chạy qua nhà ông Phú, ông Sự, ông Ngựng”, bà Duyên vừa dẫn khách đi áng chừng theo đường hầm năm xưa vừa kể. Ông Chiều, một người trong họ Vũ đang ở trên khu đất ấy xác nhận hầm được đào tại chỗ đất trống quây bên cạnh chính là nền nhà bà Nhâm ngày trước.
Nhắc đến ông Vạn, bà Duyên bảo ông ấy đã mất, nhà ở phía dưới. Ông Vạn là thương binh chống Pháp mồm bị méo và có những bước đi thập thềnh. Ông có lấy vợ, người ở Bao Hàm và không có con.
Ngoài ra, bà Duyên còn nhắc nhớ về những trai làng viết đơn tình nguyện bằng máu xung phong ra trận như Thanh, Tam, Tạch… “Vừa sang tuổi 15, 16 là trai làng đi hết chỉ còn lại đám đàn bà con gái, ngày ngày ra bến này tắm gội mà trông ngóng. Năm lên 10, đám bạn gái kéo tôi xuống đoạn trên tắm rồi trôi về “Bến không chồng” thì bị đuối nước.
Chúng vội lên bờ tri hô. May có ông thương binh cụt tay trái đi qua cứu, hà hơi thổi ngạt rồi trao lại cho bố mẹ tôi. Hai năm sau, nghe ông Đột kể lại, ông ấy chở thuyền chuối mang bán qua đây và hỏi thăm về tôi lúc ông Đột đang cất vó. Mẹ tôi đi bán rơm ở chợ Bàng (Thụy Xuân) cũng hỏi thăm có ai vớt con bé ở làng Đông có cây quéo cổ thụ mà không tìm được”, bà Duyên kể.
Đấy là câu chuyện của mấy mươi năm trước ở làng Đông nay là thôn Trung An (Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình). Bây giờ nơi đây đã đổi khác với làng xóm trù phú, cuộc sống sung túc. Như cách so sánh của bà Duyên thì, ngày nhỏ bố bà phải đi bán rơm ở chợ Bàng, góp gom mãi mới mua được cho bà tấm áo mới, giờ chuyện ăn, chuyện mặc chẳng phải lo.
Thực tế thì, từ bến này đi dọc sông Đình dẫn về cống Trà Linh mà ông Khiên (trưởng họ Nguyễn, bố anh Nghĩa) hay đi cất cá mòi và cũng là nơi ghi dấu mối tình Hạnh - Nghĩa hay nơi có vườn ươm ông Vạn ở như trong tiểu thuyết của nhà văn Dương Hướng, giờ đã mở đường lớn cùng Khu công nghiệp Liên Hà Thái dần hình thành.
Ở đó sẽ là nhịp sống mới sôi động, hiện đại nhưng ở đây vẫn vẹn nguyên “Bến không chồng” đi vào văn học, điện ảnh, bình lặng hiện diện như nhân chứng tố cáo tội ác của chiến tranh và tiếp tục đem đến cho thế hệ trẻ bài học về giá trị của hòa bình.
Tiểu thuyết “Bến không chồng” được nhà văn Dương Hướng viết từ chính những nguyên mẫu ở làng Đông - nơi ông sinh ra và lớn lên. Năm 1990, tiểu thuyết được NXB Hội Nhà văn ấn hành lần đầu và năm 1991 ẵm giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, tiểu thuyết được tái bản nhiều lần và dịch sang tiếng Pháp, Ý, Đức, chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên và bộ phim truyền hình mang tên “Thương nhớ ở ai”. Nhà văn Dương Hướng được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017 cho tiểu thuyết “Bến không chồng”.