Các sách giáo khoa khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình.
Bộ GD&ĐT cho biết, sách giáo khoa được ban hành đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng vì phải được biên soạn, thẩm định theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGD&ĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Thông tư số23/2020/TT-BGD&ĐT, Thông tư số05/2022/TT-BGD&ĐTsửa đổi, bổ sung một số điều của quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư 33 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019, Chương trình giáo dục phổ thông là căn cứ pháp lý để sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc. Tại mỗi tỉnh/thành phố sẽ sử dụng ổn định sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn.
Học sinh thuộc tỉnh/thành phố nào thì sẽ sử dụng sách giáo khoa theo danh mục sách giáo khoa do UBND tỉnh/thành phố đó ban hành. Chỉ có rất ít học sinh do chuyển từ địa phương này sang địa phương khác có thể phải mua sách giáo khoa khác cho phù hợp khi đến địa phương mới.