"Bố già" xóm chân cầu

28/05/2023, 13:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Là người đầu tiên sinh sống ở bãi giữa sông Hồng rồi từ từ mà tụ họp thành cả một xóm ngụ cư như hiện nay, dân ở đây coi ông Được Đen như trưởng làng của mình. Trẻ con sinh ra ở cái xóm chắp vá này, được người thầy đầu tiên là ông Được dạy chữ. Lại cũng là ông, chạy vạy ngược xuôi để đám trẻ ấy có giấy khai sinh, có thể đến trường lớp đàng hoàng...

Ông Được Đen. Tranh: Kim Duẩn

Lại có lần, một cậu thanh niên vừa nhảy sông định chết thì hoảng quá kêu cứu. Ông Được phải đuổi từ cầu Long Biên xuống cầu Chương Dương mới vớt được người. Ai ngờ, lên thuyền rồi, người này giở chứng, lại đứng ở đầu mũi thuyền sàng qua sàng lại để thuyền đắm, ông không nói không rằng, phi vút thuyền vào bờ, cậu trai theo đà bắn như mũi tên đập mặt xuống đất. Đứng lên được, cậu đi thẳng không ngoảnh lại. Thời gian sau, cậu dẫn theo bố mẹ đến tìm ông Được cảm ơn.

“Họ mang rất nhiều tiền, tôi chỉ lấy năm trăm ngàn để làm lễ tạ Hà Bá. Đây là thói quen của dân vùng sông nước. Theo dân gian, cứ người nào rơi xuống sông, thì đều là “thức ăn” của Hà Bá. Mình cứu họ, vớt họ lên là cướp cơm của Hà Bá, nên muốn yên ổn thì phải làm lễ tạ. Lễ thì đơn giản thôi, một mâm cơm bình thường, với ít vàng mã và hình nhân thế mạng, cho lên cái bè rồi thả ra sông. Không phải ai cũng quay lại cảm ơn, nên hầu hết những lễ này đều là tôi bỏ tiền túi ra làm”, ông kể.

Tôi hỏi, ông có nhớ mình đã cứu được bao nhiêu người không, ông bảo, không nhớ, ngày xưa vớt xác không thấy người nhận, tôi chôn ngay ở bãi, nhiều lắm, phải đến hàng trăm, nhưng rồi lũ lụt, mưa bão, bờ lở, mộ cũng mất. Tôi lại hỏi những người nhảy cầu được cứu có ai quay lại cảm ơn ông không? Ông Được bảo, một số có, một số không. Có người đem theo cả mấy chục triệu, nói biếu tôi, nhưng tôi không nhận, đấy là nguyên tắc. Tôi cứu người có phải vì tiền đâu!

Quanh năm tiếp xúc với xác chết trôi dạt, nhiều trường hợp ngâm nước lâu ngày đã biến dạng, có người hỏi ông Được sợ không, ông thủng thẳng trả lời: tôi từng tự tay chôn cất 4 đồng đội, rồi một mình ngồi canh mộ cho họ 3 đêm, còn điều gì dọa tôi được nữa?

Làm sân chơi và thư viện miễn phí cho trẻ

Thích trẻ con, ông Được bao giờ cũng dành cho chúng sự quan tâm lớn nhất trong điều kiện của mình. Qua thời dạy xóa mù và xin giấy khai sinh, ông thương lũ trẻ không có chỗ chơi, tình nguyện cắt một phần đất trồng ổi để làm sân chơi cho chúng. Vài năm gần đây, một người con nuôi cùng ông cải tạo, nâng cấp sân chơi này thành một sân chơi phiêu lưu miễn phí cho trẻ nhỏ.

Ngoài tuổi thất thập, hàng ngày vợ chồng ông vẫn sống bằng thu nhập của việc nhặt rác, “nhì nhằng bán quán” và “bán vé tham quan” 20.000 đồng một lần cho người lớn. “Chỗ này trông thế chứ Tây thích lắm, hồi chưa có dịch, Tây đến rất đông”, ông Được chỉ ra cái sân rợp bóng cây giới thiệu.

Rồi vẫn sợ trẻ con đến chơi buồn, ông lọ mọ đi mua sách cũ về lập thư viện miễn phí. Sách của ông được cập nhật thường xuyên. Cứ khi nào trẻ con kêu “sách đọc hết rồi” là ông lại gom thành thùng, đem tặng những trường học ở vùng sâu, vùng xa, rồi kiếm sách mới bù vào.

Khách đến sân chơi, thấy mô hình của ông thú vị, cũng đem sách qua tặng. “Đầu sách giờ nhiều, trẻ quanh đây hay mượn về đọc vì thư viện của tôi chưa có cái bàn tử tế để ngồi. Thôi cứ túc tắc làm dần, sức đến đâu làm đến đấy cô ạ”, ông Được vừa rít thuốc lào vừa “chốt hạ” câu chuyện với tôi “để còn đi chở nước cho khách”.

Ông Được Đen

Tài sản lớn nhất của ông Được

Ông Được cứu người cả đời hiện vẫn ở trong ngôi nhà tạm không có khóa trên đất thuê ngoài bãi giữa. Bây giờ, xóm này đã có người quản, đất đai phải nộp thuế chứ không vô tư như ngày ông mới ra đây nữa. Cuộc hôn nhân của ông với một công dân xóm chân cầu làm nghề nhặt rác có ba đứa con. “May mắn là ba đứa nó đều ngoan, giờ đều là đầu bếp cả”, ông khoe.

Ngoài ba con đẻ, ông Được Đen còn có rất nhiều con nuôi. “Toàn là trẻ lang thang không bố mẹ, tôi nhận về. Có đứa ở vài năm, có đứa ở đến tận giờ”.

“Đến tận giờ” theo lời ông là một sinh viên khoa công nghệ thông tin, bị tật ở chân nhưng “học giỏi lắm”!

Theo (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/bo-gia-xom-chan-cau-post1537979.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/bo-gia-xom-chan-cau-post1537979.tpo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Bố già" xóm chân cầu