Các tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành… đang được Bộ GTVT triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, phấn đấu triển khai đầu tư trước năm 2030 theo quy hoạch và Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Với vai trò và vị trí cũng như tổng mức đầu tư lớn của dự án đường sắt, Bộ GTVT đề xuất cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia.
Ban chỉ đạo sẽ giúp Thủ tướng nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp lớn mang tính tổng thể, liên ngành và chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, triển khai các dự án đường sắt.
Dự thảo quyết định cũng quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chỉ đạo. Dự kiến, Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó trưởng ban là Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Thành viên Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các bộ: Xây dựng, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban quản lý vốn nhà nước; đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội…
Như PLO đưa tin, cuối tháng 6, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng thành lập tổ công tác xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, đề xuất Thủ tướng là tổ trưởng.
Sau đó, Thủ tướng có ý kiến giao Bộ GTVT khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia. Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Hai kịch bản đầu tư đường sắt Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT đề xuất đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ chở khách, có tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 58,71 tỉ USD, trong đó vốn nhà nước chiếm 80%, vốn tư nhân khoảng 20% tổng mức đầu tư. Đường sắt hiện hữu cải tạo để chở hàng. Trong khi đó, kịch bản của tư vấn thẩm tra dự án đề xuất, tốc độ thiết kế tối đa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là 250 km/h để vừa chở khách và vừa chở hàng. Đường sắt hiện hữu được nâng cấp để chở khách liên vùng và tàu hàng container. |