Hãy để con tự đối mặt
Bố mẹ hãy hiểu rằng bất cứ ai sở hữu một khả năng phục hồi tốt đều phải tự mình trải qua hành trình trau dồi và luyện tập, trong đó có con. Nếu có thể, bố mẹ hãy để con tự đối mặt và giải quyết những vấn đề của chính con. Đừng vội vàng đưa ra giải pháp ngay, nếu muốn giúp đỡ con thì hãy cho con chiếc chìa khóa chứ không phải mở sẵn cánh cửa.
Trong trường hợp bắt buộc phải hỗ trợ, hãy đặt ra những câu hỏi thay vì cho con sẵn câu trả lời, bởi trong những vấn đề cá nhân thì không ai có thể đưa ra lời giải hoàn hảo và phù hợp hơn chính bản thân mình.
Sau nhiều lần được bố mẹ dẫn dắt và đồng hành như vậy, con sẽ học được cách tự đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời cho chính mình trước mọi vấn đề con gặp phải. Con cũng sẽ hiểu được rằng nếu không tự mình giải quyết, vấn đề sẽ không biến mất, ai cũng cần sự bền bỉ để vượt qua trở ngại trong cuộc sống.
Đồng hành cùng con đúng cách
Một điều bố mẹ rất hay lầm tưởng chính là nếu con nhạy cảm và dễ bị tổn thương có nghĩa là con không giỏi trong việc tự phục hồi. Thực tế, sở hữu khả năng tự phục hồi tốt không đồng nghĩa với việc con sẽ “miễn nhiễm” với cảm giác tổn thương.
Đối diện với con cái, việc quan trọng nhất mà bố mẹ cần làm chính là duy trì một tâm trí cởi mở và sẵn sàng đón nhận những điều mới. Từ đó, bố mẹ mới có thể hiểu được cảm xúc của con, cho dù bản thân cảm thấy vấn đề đó lớn hay nhỏ.
Tiếp đó, hãy tin rằng con mạnh mẽ nhất khi hiểu rõ chính mình, con cần biết bản thân là người như thế nào, có điểm mạnh và điểm yếu gì, có thuộc tuýp dễ phục hồi sau tổn thương hay không…
Nếu con cảm thấy khó khăn trong việc tự định nghĩa bản thân, hãy giúp con làm điều đó, hãy cho con biết những điểm mạnh của con, những điều con làm tốt và chưa tốt. Và cho dù con lựa chọn giải pháp nào đi chăng nữa, bố mẹ cũng hãy tôn trọng quyết định của con.
Hiểu đúng về “năng lực tự phục hồi” là một giải pháp giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần cho con và cho cả gia đình trong thời điểm này. Sự phát triển của năng lực tự phục hồi vừa phụ thuộc vào bên trong mỗi người, nhưng cũng vừa có thể chịu ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh.
Khó khăn có thể ập đến bất cứ lúc nào, hãy tạo cho con thói quen sẻ chia cùng bố mẹ để con biết rằng gia đình luôn ở đây, và tất cả chúng ta luôn sẵn sàng đồng hành cùng nhau vượt qua mọi trở ngại.