Theo đó, về kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng chính phủ giao cho 4 địa phương là trên trên 31,4 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn đã phân bổ chi tiết của 4 địa phương là trên 41,7 nghìn tỷ đồng.
Về tình hình giải ngân của 4 địa phương tính đến ngày 31/3 được 2.791 tỷ đồng, đạt 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước 4 tháng năm 2023 giải ngân được 4,2 nghìn tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
Ngoài ra, các địa phương đều có các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2023). Cụ thể, tỉnh Đắk Nông 36 dự án; Gia Lai 21 dự án; Đồng Nai 9 dự án; Bình Dương 21 dự án.
Theo báo cáo của các địa phương, có một số nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn chưa cao liên quan đến khó khăn về cơ chế, chính sách; trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước; vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, dự án mới phê duyệt đầu tư vào cuối năm 2022, được giao vốn kế hoạch năm 2023, các chủ đầu tư đang thực hiện các bước phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu, lập phương án giải phóng mặt bằng nên chưa giải ngân được vốn kế hoạch năm 2023…
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nguyên nhân không chỉ như các địa phương đã chỉ ra. Qua kiểm tra phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 của Bộ Tài chính cho thấy, chậm giải ngân vốn đầu tư công còn ở khâu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật đầu tư công, Quyết định giao vốn kế hoạch năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay từ đầu năm các địa phương chưa phân bổ hết số kế hoạch vốn năm 2023, phân bổ chưa đảm bảo nguyên tắc tiêu trí bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành, quyết toán, dự án chuyển tiếp, mới xem xét bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bộ Tài chính đã có ý kiến về việc phân bổ kế hoạch đầu tư công gửi các địa phương.