Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau "chưa sử dụng một hạt cát biển nào". Hơn nữa, nguồn cát dùng cho dự án được kiểm soát chặt, không "làm dối" được.
Tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT diễn ra ngày 14/6, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTvT cho biết vừa qua có hiện tượng lúa tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, giáp cao tốc Hậu Giang- Cà Mau bị chết. Sau đó có thông tin cho rằng lúa chết vì đất bị nhiễm mặn từ nguồn cát đắp nền dự án.
Ông Thắng khẳng định, dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau "chưa sử dụng một hạt cát biển nào". Hơn nữa, nguồn cát dùng cho dự án được kiểm soát chặt, không "làm dối" được. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ cùng hai Bộ TN-MT, NN&PTNT tổ chức đoàn khảo sát, tìm hiểu lý do lúa chết.
Vào cuộc sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT báo cáo có hơn 3 ha lúa hè thu của 9 hộ dân ở Hậu Giang bị ảnh hưởng với thiệt hại ban đầu khoảng 44 triệu đồng, nhà thầu đã hỗ trợ cho nông dân.
Diện tích lúa bị chết tại xã Vị Thắng, giáp ranh bên đường cao tốc Hậu Giang- Cà Mau (ảnh VNE)
Kết quả đo xác định, nồng độ mặn của ruộng lúa bị thiệt hại là 2,5 phần nghìn, nồng độ mặn của nước ruộng vùng không bị thiệt hại là 0,1 phần nghìn. Trong khi đó tiêu chuẩn về ngưỡng chịu mặn của cây lúa là 1,28 phần nghìn.
Kiểm tra thực tế diện tích lúa hè thu gần đường thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam tại UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, xác định một số diện tích bị chết 70%, một số bị ảnh hưởng 20-50%.
Kết quả đo độ mặn tại ruộng lúa bị chết là 6,6 phần nghìn, tại lòng đường cao tốc là 1,8 phần nghìn và kênh thủy lợi là 0,4 phần nghìn, báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu.
Do vậy, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thi công có giải pháp cụ thể để độ nhiễm mặn của nước nơi thi công đảm bảo đúng tiêu chuẩn.
Trước đó, giữa tháng 6, đồng lúa vụ hè thu hơn 3 ha của 9 hộ dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, được khoảng 60 ngày tuổi chậm phát triển, nhiều chỗ ngả màu vàng, suy yếu, có dấu hiệu chết dần. Người dân sau đó nghi ngờ đất nhiễm mặn do nguồn cát đắp nền dự án, song phía nhà thầu bác bỏ.
Cao tốc Hậu Giang – Cà Mau đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Dự án có chiều dài trên 73 km, vốn hơn 17.000 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2023, dự kiến khai thác năm 2026. Giai đoạn đầu, cao tốc rộng 17 m, 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường rộng gần 25 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Dự án cao tốc này đã bị chậm tiến độ do thiếu nguyên liệu đắp nền. Ngoài việc đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cát sông, Bộ GTVT cho phép chủ đầu tư thí điểm cát biển đắp nền dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.