Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2050, đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.
Để thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời đưa ra định hướng toàn diện cho phát triển vùng đất có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, công tác lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã và đang được triển khai quyết liệt.
Theo dự thảo Báo cáo về Khung định hướng Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi về đất đai cho phát triển nông nghiệp; có vị trí quan trọng về môi trường, sinh thái: nơi đầu nguồn sinh thủy của các con sông lớn, diện tích rừng lớn; có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đặc sắc, với đa dạng tài nguyên du lịch gắn với thiên nhiên và các giá trị nhân văn đặc trưng; có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên có một số hạn chế về vị trí địa kinh tế (khó khăn về kết nối); trình độ phát triển kinh tế của vùng thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; mật độ dân cư thấp nhất cả nước, phân bố rải rác; quy mô, trình độ phát triển của vùng thấp nhất cả nước, năng lực cạnh tranh còn hạn chế...
Cùng với đó, khả năng thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài hạn chế các điều kiện hấp dẫn đầu tư.
Góp ý cho dự thảo báo cáo khung định hướng, các chuyên gia kinh tế đánh giá, Tây Nguyên cũng đang có những điểm nghẽn cần giải quyết, đó là phân bổ dân cư chưa hợp lý; khai thác sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả, hạ tầng kết nối chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, môi trường kinh doanh đầu tư chưa hấp dẫn.
Theo ông Vũ Quang Các, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về quan điểm, khung định hướng cần phân tích thêm việc Tây Nguyên xa các trung tâm kinh tế lớn để giải quyết bài toán kết nối, liên vùng. Bên cạnh đó, giải quyết điểm nghẽn Tây Nguyên thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu lực lượng lao động, công nghiệp chưa phát triển.
Một trong những vai trò quan trọng của vùng là hệ sinh thái, an ninh nguồn nước, do vậy khi đặt bài toán phát triển thì việc quy hoạch khu vực bảo tồn, khu vực không phát triển, khu vực hạn chế phát triển phải được làm rõ, giữ vững mục tiêu bảo vệ môi trường.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để có bản quy hoạch vùng tốt nhất cho vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.