Tại buổi làm việc, các ý kiến đề xuất, kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, cũng như đại diện các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh tập trung vào vấn đề biên chế giáo viên; chính sách với đội ngũ nhà giáo nói chung, giáo viên mầm non nói riêng; sửa đổi định mức học sinh/lớp; lựa chọn sách giáo khoa; sớm triển khai tiêm vaccine cho học sinh dưới 12 tuổi để bảo đảm an toàn cho trẻ khi đến trường,...
Đại diện Trường Đại học Hồng Đức có kiến nghị liên quan đến rà soát, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trong đó có cơ sở đào tạo giáo viên; tổ chức sơ kết, đánh giá ưu nhược điểm của mô hình trường đại học trực thuộc đại phương tại Việt Nam; có hướng dẫn rõ về kinh phí kiểm định, tự đánh giá chất lượng giáo dục trường và chương trình đào tạo với các trường đại học công lập; có cơ chế để giảng viên các trường đại học trực thuộc địa phương được tham gia tuyển chọn và nhận nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ...
Những vấn đề này được đại diện các vụ cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi tại buổi làm việc. Đại diện các vụ, cục cũng đưa ra những gợi ý, kiến nghị với địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, triển khai tốt hơn nữa nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, đặc biệt là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Thanh Hóa.
Học sinh đi học an toàn không chỉ là vấn đề của ngành Giáo dục
Ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo linh hoạt, sát thực tế, của lãnh đạo địa phương trong triển khai hoạt động dạy học trực tiếp, bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc ứng phó với dịch bệnh trong trường học bởi vậy không phải chuyện một sớm, một chiều. Do đó, rất cần sự nhất quán trong chỉ đạo, sự chuẩn bị chu đáo, hiểu biết, thái độ và nhận thức đúng về dịch bệnh. Cần trang bị cho học sinh hiểu biết về dịch bệnh nhưng không phải sợ hãi trước dịch bệnh. Sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình cũng rất quan trọng.
Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh: Trẻ dù đã tiêm, hay chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng được quyền đến trường một cách bình đẳng; không được tạo ra sự kì thị nếu có học sinh là F0, F1…
Liên quan đến phòng chống dịch, vấn đề tiếp theo được Bộ trưởng lưu ý là cần tăng cường điều kiện về y tế trường học, đặc biệt vấn đề nhân lực. Cùng với đó, thực hiện kế hoạch thời gian năm học một cách linh hoạt; với cơ sở kết thúc chương trình sớm cần tranh thủ để củng cố, mở mang kiến thức cho học sinh, trong đó có việc bổ sung, trang bị kĩ năng sống, kĩ năng phòng dịch...
Liên quan đến công tác giáo dục-đào tạo nói chung trên địa bàn tỉnh, theo Bộ trưởng, một trong những công việc lớn nhất thời điểm này là thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là thay đổi đòi hỏi điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực lớn, đầu tư nhiều; lại được triển khai bằng phương thức phi truyền thống là xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa, tiến hành cùng lúc với mục tiêu rất cao của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiến hành trong bối cảnh nguồn lực đầu tư, như con người, cơ sở vật chất chưa có nhiều thay đổi lớn… Bởi vậy, nơi nào lãnh đạo địa phương quan tâm đủ, đúng, phù hợp thì nơi đó sự chuyển đổi sẽ đạt được chiều sâu chất lượng.
Một số vấn đề tỉnh Thanh Hóa cần tập trung quan tâm cũng được Bộ trưởng đưa ra; trong đó liên quan đến rà soát cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ưu tiên các lớp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; tiếp tục quan tâm đến giáo dục dân tộc, thực hiện bình đẳng trong giáo dục, quan tâm việc dạy học tiếng dân tộc và dạy tiếng Việt cho đồng bào dân tộc.
Với kiên cố hóa trường học, dù Thanh Hóa đã đạt trên mức bình quân của cả nước, nhưng 20% còn lại cũng là vấn đề không nhỏ; 20% này lại ở nơi khó khăn. Bộ trưởng mong lãnh đạo tỉnh có chương trình để có thể thực hiện kiên cố hóa nốt được 20% này, có thể là trong 5-6 năm, không nên dài hơn.
Bên cạnh đó, một số vấn đề khác cũng được Bộ trưởng lưu ý, liên quan đến thừa thiếu giáo viên, quy hoạch mạng lưới trường học, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; đồng thời đề nghị địa phương tiếp tục chú ý, phát huy những việc đã làm tốt, trong đó có giáo dục mũi nhọn…
Chia sẻ đặc thù của địa phương với cả thuận lợi và khó khăn, phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị lãnh đạo ngành Giáo dục, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố, các phòng Giáo dục và Đào tạo, trường trung học phổ thông nghiêm túc tiếp thu ý kiến các thành viên đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tham mưu tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh triển khai tốt vấn đề giáo dục-đào tạo của địa phương.
Ngành Giáo dục chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và ủy ban nhân dân tỉnh, ngay sau cuộc làm này sẽ bắt tay xây dựng và có lộ trình để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém theo khuyến cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Đỗ Trọng Hưng thể hiện mong muốn, cùng với sự quan tâm trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị Bộ có ý kiến với các cơ quan, bộ ngành chức năng, với Chính phủ, Quốc hội để giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay về cơ sở vật chất, chế độ chính sách, con người, về chuyên môn nghiệp vụ… của ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa.