Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện Bộ KH&ĐT. Phía tỉnh Trà Vinh có ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh cho biết: Toàn tỉnh có 427 đơn vị trường học, trong đó có 88 trường mẫu giáo, 32 trường mầm non, 160 trường Tiểu học, 101 trường THCS, 35 trường THPT, 9 Trung tâm GDTX, 1 trường Trung cấp Pali Khmer, 1 trường Thực hành sư phạm (trực thuộc Trường ĐH Trà Vinh), có 505 điểm học phụ, với 214.416 học sinh. Toàn ngành có 14.328 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT báo cáo tình hình GD&ĐT. |
Ngành Giáo dục tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ phối hợp của các Sở, ngành, sự đồng thuận của xã hội. Hệ thống mạng lưới trường, lớp học thường xuyên được rà soát, sắp xếp, phát triển phù hợp với quy hoạch theo hướng sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, xóa dần những điểm lẻ, tập trung nâng cấp mở rộng điểm học chính về quy mô cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục thực hiện Chương trình GDPT mới.
Toàn tỉnh đã xóa hoàn toàn phòng học tạm vào cuối năm 2015. Năm 2021 ngân sách của tỉnh chi cho GD&ĐT chiếm tỷ trọng khoảng 23,8% trên tổng số chi ngân sách toàn tỉnh.
Tỉnh khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, 100% cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt việc duy trì sĩ số học sinh đi học. Trong học kỳ I năm học 2022 - 2023 có 553 học sinh bỏ học, tỷ lệ 0,31% (giảm 624 học sinh so cùng kỳ năm học trước).
Thực hiện Luật Giáo dục 2019, ngành GD&ĐT đã rà soát chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học về trình độ đào tạo. Đến năm học 2022 - 2023 chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa chuẩn 1.007 (tỷ lệ 8,37%), đạt chuẩn 8.644 (tỷ lệ 71,82%), trên chuẩn 2.384 (tỷ lệ 19,81%). Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt đào tạo nâng trình độ chuẩn 74 giáo viên và cán bộ quản lý.
Toàn tỉnh hiện có 8.178 phòng học và phòng chức năng. Trong đó có 7.601 phòng kiên cố, chiếm 92,94% và có 577 phòng bán kiên cố (kiên cố quá hạn, xuống cấp) chiếm 7,06%; không có phòng học tạm thời.
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Vân, ngành Giáo dục địa phương gặp một số khó khăn như mặt bằng thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh chưa cao, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư để phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới, đa số các trường học còn thiếu phòng học bộ môn, thiếu phòng làm việc (hành chính quản trị) và trang thiết bị dạy học chỉ được đầu tư ở mức tối thiểu.
Tỉnh đã đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình GDPT 2018 cho khối lớp 1, lớp 2 và các phòng Ngoại ngữ, Tin học cho cấp THCS, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, về cơ sở vật chất trường học hiện có chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản nhất để thực hiện phục vụ Chương trình GDPT 2018.
Phần lớn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ theo quy định, nhiều trường học chưa đủ số Phòng học bộ môn, Khu phục vụ học tập, Khu hiệu bộ so với quy định về chuẩn cơ sở vật chất trường học hiện hành. Nhiều trường có phòng học xây dựng cơ bản hết hạn sử dụng, xuống cấp cần cải tạo nâng cấp, thay thế; việc mở rộng hệ thống trường có tổ chức bán trú cho học sinh còn gặp khó khăn…
“Đọc thư viện” của thầy trò Trường Tiểu học Thuận Hòa (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). |
Ngành GD&ĐT tỉnh Trà Vinh kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT điều chỉnh bổ sung Nghị định số 116/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; Điều chỉnh bổ sung nội dung vào các nghị định về chính sách thực hiện thi đua khen thưởng; Bố trí ngân sách hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; Chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số...
Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, chuyển đổi số, đào tạo bồi dưỡng theo nội dung Tiểu dự án 1 - Dự án 5 Chương trình mục tiêu quôc gia các trường phổ thông Dân tộc nội trú có địa chỉ không thuộc xã khó khăn theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021. Đồng thời hướng dẫn cụ thể về danh mục thiết bị phục vụ chuyển đổi số và dạy học để địa phương làm cơ sở thực hiện mua sắm.
Tỉnh Trà Vinh kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quan tâm tham mưu Chính phủ ưu tiên phân bổ các chương trình, dự án của ngành để tạo điều kiện giúp tỉnh Trà Vinh tháo gỡ khó khăn, góp phần tích cực phát triển sự nghiệp giáo dục trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Bạch Vân nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh phát biểu tại cuộc làm việc. |
Tại cuộc làm việc, Trường ĐH Trà Vinh kiến nghị Bộ GD&ĐT, Chính phủ cho phép trường tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động trên cơ sở tổng hợp các quy định có liên quan và thay thế Quyết định số 486 ngày 13/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Trà Vinh.
Đồng thời, giao cho Trường ĐH Trà Vinh thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia trong đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực ngôn ngữ, văn hoá, nghệ thuật Khmer Nam Bộ và bổ sung nhiệm vụ hợp tác đào tạo giữa hai nước Việt Nam - Campuchia nhằm phát huy vai trò của trường trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo với nước bạn, gắn liền với đảm bảo an ninh, quốc phòng của khu vực...
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận tại cuộc làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong công tác chỉ đạo về GD&ĐT; đặc biệt là công tác triển khai Chương trình GDPT 2018. Dù tỉnh còn khó khăn, nhưng các chỉ số phát triển về giáo dục có sự phát triển đáng ghi nhận.
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Giáo dục đang trong giai đoạn quyết liệt thực hiện đổi mới, thách thức đặt ra lớn, nên sự quan tâm của địa phương hết sức quan trọng. Thời gian tới tỉnh cần quan tâm, ưu tiên nguồn ngân sách của tỉnh cho Giáo dục; đặc biệt là thời điểm đổi mới giáo dục phổ thông đang vào giai đoạn nước rút; những yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và giáo viên càng đòi hỏi gay gắt.
Học sinh trường TH Hàm Giang B, Huyện Trà Cú, Trà Vinh |
Tỉnh cần tuyển đủ chỉ tiêu đội ngũ giáo viên được phân bổ; tăng cường xã hội hóa giáo dục, dành quỹ đất, sự hỗ trợ về thủ tục đa dạng dịch vụ giáo dục cho người dân, giảm sức ép trường lớp công. Tận dụng các chương trình mục tiêu quốc gia tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng giáo dục. Quan tâm giáo dục dân tộc, làm tốt hơn nữa, hỗ trợ học sinh đồng bào dân tộc.
Quan tâm tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn, tăng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp, nhất là cấp tiểu học. Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên; tập trung chuẩn bị nguồn lực giáo viên cho năm học mới; chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và tổng kết Nghị quyết 29 của Trung ương…
Trường ĐH Trà Vinh rà soát cơ chế thực hiện tự chủ; làm tốt nhiệm vụ đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên Chương trình mới phục vụ nhu cầu của tỉnh và đào tạo giáo viên tiếng Khmer...