Giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm học mới với cố gắng, quyết tâm, giải pháp mới

04/09/2024 13:05

Nhiều giải pháp quan trọng được ngành Giáo dục triển khai trong năm học 2024-2025 để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu.

Web1.jpg

Sẽ có nhiều giải pháp quan trọng được ngành Giáo dục triển khai trong năm học 2024 - 2025 để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Một số giải pháp quan trọng, những vấn đề cần tập trung trong năm học mới được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trên Báo GD&TĐ.

Web2.jpg

Năm học 2024 - 2025 khép lại một chu trình triển khai Chương trình GDPT 2018; đồng thời là năm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới. Bộ trưởng có thể cho biết, Bộ GD&ĐT có lưu ý gì trong chỉ đạo triển khai năm học quan trọng này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sau 4 năm triển khai theo từng lớp, cấp học, năm học 2024 - 2025, quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ hoàn tất chu trình với lớp cuối cùng của các cấp học. Đây cũng là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình GDPT.

Chặng đường đổi mới GDPT vừa qua dù có nhiều khó khăn, song cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành Giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng đổi mới và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới.

Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Ví dụ, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ GD&ĐT bắt tay vào chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dự kiến Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được ban hành vào tháng 11/2024, tính ổn định lâu dài của Quy chế thi cũng được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương khi thực hiện.

Web3.jpg

Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi rộng để đánh giá, do đó các sở GD&ĐT đã sẵn sàng phương án cho công việc này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.

Năm nay, kế hoạch thời gian năm học và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học được Bộ GD&ĐT ban hành từ sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần và phải làm; bao gồm 2 nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp cuối cùng các cấp học, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Tại các hội nghị, cuộc họp của toàn ngành như: Hội nghị Giám đốc sở GD&ĐT, hội nghị tổng kết năm học của từng cấp học, hội nghị tổng kết năm học toàn ngành…, các nội dung công việc đều được lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đại diện sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục trao đổi, thảo luận trên tinh thần chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt khó khăn và đề xuất, tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết.

Cùng với chỉ đạo, hướng dẫn, các đơn vị chuyên môn, Bộ GD&ĐT đã và đang sát sao nắm bắt, có kế hoạch hỗ trợ, đồng hành với địa phương trong triển khai từng nhiệm vụ, công việc quan trọng của năm học 2024-2025.

Như Bộ trưởng chia sẻ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được chuẩn bị từ sớm, từ xa. Vậy còn với tuyển sinh đại học sẽ có thay đổi thế nào để hô ứng với đổi mới của giáo dục phổ thông?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cùng với quá trình đẩy mạnh tự chủ đại học, tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi mang lại hiệu quả nhất định thời gian qua. Trong bối cảnh GDPT đi đến chặng cuối của đổi mới, Kỳ thi tốt nghiệp THPT bước vào năm đầu tiên thực hiện theo phương án mới, những điều chỉnh, đổi mới về công tác tuyển sinh là cần thiết để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ GDPT đến giáo dục đại học.

Từ định hướng như vậy, Bộ GD&ĐT đang rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.

Web4.jpg

Để thực hiện thành công nhiệm vụ năm học, đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Bộ trưởng có thể chia sẻ những giải pháp để bảo đảm đội ngũ giáo viên về số lượng, chất lượng, cơ cấu trong năm học mới?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Năm học 2023-2024, toàn ngành tuyển dụng được 19.474 giáo viên, tuy nhiên số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng. Năm học 2023-2024 số lớp của cấp THCS tăng 7.198 lớp (tương đương số giáo viên tăng 13.676), số lớp cấp THPT tăng 1.213 lớp (tương đương số giáo viên tăng 2.729) so với năm học 2022-2023, dẫn đến số giáo viên còn thiếu vẫn nhiều và ở hầu hết địa phương.

Web5.jpg

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, năm học 2024-2025 số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023-2024 tăng 19.856 người (giáo viên mầm non còn thiếu tăng 6.000 người, giáo viên phổ thông còn thiếu tăng 13.856 người). Nguyên nhân chính do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng. Ví dụ, mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, giáo viên dạy tiếng dân tộc, …

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.

Phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72 của Trung ương; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ những năm trước và giao bổ sung. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp với đội ngũ giáo viên địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.

Thời gian qua, các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành sư phạm của học sinh; nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, “giữ chân” giáo viên; Luật Nhà giáo đang được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn... Tất cả cho thấy đã có những chuyển động quan trọng để giải quyết khó khăn đặt ra đối với vấn đề đội ngũ.

Web6.jpg

Bộ trưởng có nhắc đến việc xây dựng Luật Nhà giáo. Vậy cho đến nay, tiến độ xây dựng Luật này ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Như chúng ta đã biết, nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế đã chứng minh, sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của đổi mới giáo dục đạt được thế nào phụ thuộc vào đổi mới của từng nhà giáo. Như vậy, chất lượng của nền giáo dục phụ thuộc vào một phần quan trọng là chất lượng đội ngũ. Chất lượng của nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân, tinh thần học tập không ngừng nghỉ, các chính sách, môi trường làm việc, cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển nhà giáo như thế nào đóng vai trò quan trọng.

Xuất phát từ nhận thức đó, trong thời gian dài vừa qua, Bộ GD&ĐT tích cực chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho phép xây dựng một Luật điều chỉnh riêng về nhà giáo. Đến tháng 4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV. Đây là tin vui, đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, sau một thời gian tiến hành soạn thảo với nhiều công việc, quy trình phức tạp, nội dung mới khó, ngày 13/5/2024, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.

Ngày 27/8 vừa qua, hồ sơ dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Theo kế hoạch, dự án Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Web7.jpg

Cùng với đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là điều kiện quan trọng bảo đảm chất lượng. Bộ trưởng có thể cho biết, năm học 2024 -2025, việc khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất, đầu tư cho giáo dục sẽ được quan tâm ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và đổi mới GDPT, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm tăng cường đầu tư mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Tuy nhiên, thực tế số phòng học chưa được kiên cố hóa vẫn cao, trung bình, cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa. Vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng miền núi, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, mới chỉ đạt 50,63%...

Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 kiên cố hoá 100% cơ sở giáo dục và khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp hiện nay cần sự nỗ lực rất lớn từ các địa phương, trong đó có vai trò tham mưu của sở GD&ĐT.

Web8.jpg

Năm học 2024 - 2025 sẽ là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm 2025 - 2030 nên các sở GD&ĐT cần lưu ý tham mưu xây dựng kế hoạch để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục. Cùng đó, địa phương cần bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%.

Ngoài ra, các địa phương lưu ý khai thác chính sách đặc thù, ưu đãi đối với tỉnh, thành phố. Tuy mức độ chính sách đặc thù của mỗi địa phương khác nhau nhưng đều có thể khai thác được những điểm có lợi để đầu tư phát triển giáo dục. Thời gian qua, nhiều nơi đã làm tốt việc này và tạo được nguồn lực, động lực cho phát triển giáo dục địa phương.

Một trong những mục tiêu trọng tâm được ngành Giáo dục tập trung thực hiện trong năm học 2024-2025 là sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, đông dân cư. Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình GDPT và quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng có điều gì muốn gửi gắm đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Kinh tế - xã hội của đất nước càng phát triển, đặt ra yêu cầu ngày càng cao với GD&ĐT. Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Năm học 2023-2024 đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp, năm học mới sắp bắt đầu, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành, học sinh, sinh viên trong năm học vừa qua.

Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng, quyết tâm, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Chúc các thầy cô thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến. Chúc học sinh, sinh viên có một năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Web9.jpg
Web10.jpg
NGUYỄN NHUNG - TIẾN THÀNH

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-nam-hoc-moi-voi-co-gang-quyet-tam-giai-phap-moi-post699314.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-nam-hoc-moi-voi-co-gang-quyet-tam-giai-phap-moi-post699314.html
Bài liên quan
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhà giáo cần được tăng quyền chủ động, sáng tạo và được bảo vệ
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí về những điểm nổi bật của dự thảo Luật Nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm học mới với cố gắng, quyết tâm, giải pháp mới