Theo quy trình, Hà Nội sẽ xây dựng phương án tổng thể, sau đó gửi về Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu về từng phương án cụ thể.
“Quá trình xem xét sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn phải căn cứ vào các yếu tố đặc thù đã được nêu trong Nghị quyết”, đại diện Vụ Chính quyền địa phương cho hay.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, Hà Nội đã tiến hành sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã và không có cấp huyện nào thuộc diện phải sắp xếp.
Tuy nhiên, Nghị quyết 35 vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thì tiêu chí về tiêu chuẩn diện tích và quy mô dân số cao hơn. Căn cứ vào tiêu chí này, thì quận Hoàn Kiếm nằm trong diện sắp xếp.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng đề cập đến việc xem xét cơ chế chính sách đặc thù trong quá trình thực hiện sắp xếp huyện, xã.
Tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến và xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tiễn của địa phương, xác định cụ thể từng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn;
Các địa phương cần xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính sớm trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Đồng thời cần tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương.
Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 nêu rõ: Các địa phương tiến hành việc xây dựng Phương án tổng thể, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.