"Cái chúng tôi quan ngại nhất là dù đã khuyến cáo tiêm mũi 3, 4 nhưng tỷ lệ tiêm mũi 3, 4 mới đạt 80%. Tôi rất mong những người thuộc nhóm nguy cơ cao cố gắng, chủ động đi tiêm chủng đầy đủ vì trong số 20% còn lại chưa tiêm mũi 3, 4 có không ít là những người thuộc nhóm nguy cơ cao", PGS Hồng nhấn mạnh.
Theo PGS Hồng, vắc-xin COVID-19 cũng như các vắc-xin khác qua thời gian miễn dịch đều giảm dần. Đối với những người mắc COVID-19 theo thời gian miễn dịch cũng suy giảm. Vì thế, việc tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung các mũi vắc-xin COVID-19 thời gian tới đây là hết sức cần thiết.
"Hiện tại các cơ sở tiêm chủng còn vắc-xin của AstraZeneca. Vắc-xin này hoàn toàn có thể khuyến cáo sử dụng cho các mũi tiêm 3, 4 cho nhóm nguy cơ cao với bất kể tiền sử trước đó đã tiêm loại vắc-xin gì", PGS Hồng cho biết thêm.
Hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên đại dịch chưa kết thúc. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch trong đó có việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19, tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao.
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong tháng 4, 5 đã có báo cáo về các ca tử vong do COVID-19. Qua xem xét thì tất cả các ca tử vong đều là trên đối tượng nguy cơ cao, có nhiều bệnh lý nền, người cao tuổi và bản thân bệnh nhân có tình trạng nặng từ trước.
"Chúng tôi chưa phát hiện trường hợp tử vong trên người trẻ tuổi, người không có bệnh lý nền. Đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, vì thế chúng ta không được chủ quan mà phải luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó, nâng cao năng lực chuyên môn đặc biệt là về hồi sức tích cực, có kế hoạch ứng phó với từng tình huống có thể xảy ra", TS Khoa nói.
Bộ Y tế khẳng định COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu nhưng không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay ít nguy hiểm hơn.