Bóc gỡ các đường dây tội phạm xuyên quốc gia (Bài cuối)

10/10/2023, 09:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Buổi tối một ngày giữa năm 2022, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn kêu cứu qua zalo của Hoàng Văn Trường (trú tại tỉnh Yên Bái) từ Campuchia. Trước đó, Trường từng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê rồi trở về nước. Sau khi đối tượng trở về địa phương, tôi và đồng đội đã nhiều lần gặp gỡ, giáo dục đối tượng….”, Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Đội trưởng Đội Điều tra, Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Yên Bái nhớ lại.

Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị, anh Thịnh bắt đầu trao đổi thông tin với Trường. Qua điện thoại, anh hỏi về đặc điểm của nơi Trường bị giam giữ nhưng người thanh niên này cũng không cung cấp được nhiều thông tin.

Những ngày sau đó, việc liên lạc và giao tiếp giữa người Đội trưởng và Trường gặp không ít khó khăn do nạn nhân bị các đối tượng quản chế rất gắt gao. Sau khi phát hiện Trường vẫn liên lạc về Việt Nam, các đối tượng đã thu điện thoại. Những ngày sau đó, chỉ khi nào mượn được điện thoại hoặc tranh thủ vào lúc giờ nghỉ, Trường mới liên lạc được về nước. Qua điện thoại, Trung tá Nguyễn Đức Thịnh đã hướng dẫn nạn nhân tìm cách bỏ trốn; mặt khác, anh đã báo cáo lãnh đạo đơn vị trao đổi thông tin với Công an tỉnh Tây Ninh để tìm cách giải cứu Trường.

Trong thời gian này, lợi dụng sơ hở trong quá trình canh gác của các đối tượng, Trường và Hoàng Văn Phương (một nạn nhân khác) đã cùng nhau bỏ trốn. Phương đã trốn thành công, Trường bị bắt lại, bị tra tấn và bị bắt ép tiếp tục làm công việc lừa đảo qua mạng với mục tiêu đạt "doanh thu” 500 triệu đồng/tháng. Chỉ đến khi gia đình nộp đủ 149 triệu đồng tiền chuộc, Hoàng Văn Trường mới trở về được Việt Nam” - Trung tá Thịnh kể tiếp.

Bóc gỡ các đường dây tội phạm xuyên quốc gia (Bài cuối) - 1

Bị can Bàn Thị Chẩy và bị can Dương Thị Quỳnh.

Việc đấu tranh, triệt phá các đường dây cũng gặp không ít khó khăn. Sau khi trở về nước, nạn nhân Trường và Phương chỉ cung cấp được cho cơ quan Công an ảnh trang facebook của đối tượng. Trong khi đó, các dữ liệu, thậm chí là ảnh của đối tượng cũng đã có sự chỉnh sửa. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng ANĐT Công an tỉnh Yên Bái đã xác định được chủ tài khoản facebook Hằng Hằng và Như Quỳnh. Hằng Hằng có tên thật là Bàn Thị Chẩy (SN 1993, trú tại tổ 11, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên) và Như Quỳnh có tên thật là Dương Thị Quỳnh (SN 1995, trú tại xóm Đoàn Kết, xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Chẩy và Quỳnh là các đối tượng có mối quan hệ xã hội phức tạp, cả hai thường xuyên xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng, cán bộ Phòng ANĐT đã thông qua gia đình vận động Chẩy đến cơ quan Công an đầu thú. Sau khi Chẩy về nước, Quỳnh vẫn ngoan cố. Với quyết tâm bắt giữ đối tượng, các cán bộ Phòng ANĐT Công an tỉnh Yên Bái vẫn bí mật nắm bắt thông tin về đối tượng. Cuối tháng 12/2022, khi Quỳnh có mặt tại Thái Nguyên, đã bị tổ công tác của Phòng ANĐT Công an tỉnh Yên Bái bắt giữ.

Mới đây, ngày 20/6, Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã triệt phá đường dây sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo, có yếu tố nước ngoài, hoạt động xuyên quốc gia.

Quá trình đấu tranh, Ban chuyên án đã xác định có 24/44 số tài khoản ngân hàng tại Việt Nam được các đối tượng sử dụng để nhận tiền của người bị hại. Tổng số tiền đã chuyển vào 24 tài khoản này là hơn 1.830 tỷ đồng; trong đó có hơn 5.500 tài khoản có giao dịch chuyển đến, với số tiền từ 11 triệu đồng trở lên. Các tài khoản nhận này đều do các đối tượng người Trung Quốc quản lý, sử dụng.

Được biết, đường dây này do nhóm đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, câu kết với các đối tượng người Việt Nam rồi tuyển dụng, quản lý, chỉ đạo hàng trăm nhân viên người Việt Nam làm việc tại Campuchia nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân chủ yếu là người Việt Nam.

Quá trình đấu tranh, xác định, các đối tượng cầm đầu tuyển người từ Việt Nam đưa sang Campuchia, huấn luyện, đào tạo cách sử dụng các thiết bị máy tính, điện thoại, sim rác, tài khoản mạng xã hội do nhóm đối tượng cung cấp. Các nhân viên được tuyển phải sử dụng những đoạn văn mẫu hướng dẫn cách nói chuyện nhằm dụ dỗ, lôi kéo "nhà đầu tư" nộp tiền vào tài khoản để nhóm đối tượng chiếm đoạt.

Sau khi hướng dẫn phương thức, thủ đoạn để dụ dỗ nạn nhân tham gia đầu tư và cách thức chiếm đoạt tiền của họ, các đối tượng quản lý cung cấp cho nhân viên máy tính, sim rác, nhiều tài khoản mạng xã hội để hoạt động và tài khoản quản lý khách hàng tại website: Back.vncrmrosy.com. Các đối tượng cho hàng nghìn nạn nhân tạo tài khoản trên sàn Rosystyle (sàn do các đối tượng tự tạo ra, quản trị và điều hành) tại các website: Vnfx-rosystyle.com, Vnfxrosyrm.com, Rosystyle.uk... liên kết với ứng dụng MT (Metatrader4)…

“Cùng với đó là hoạt động tổ chức casino, game bài online, cá độ bóng đá, là hình thức lừa đảo trá hình, chúng liên tục tổ chức các buổi live stream cho kèo cá cược để thu hút người tham gia. Những người tham gia theo các kèo live stream ban đầu đều thắng, khi tham gia chơi lượng tiền lớn đều bị điều chỉnh lệnh để thua”, một cán bộ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, nhiều đường dây đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài đã bị triệt phá. Cùng với công tác đấu tranh, việc tuyên truyền về phương thức hoạt động của các đối tượng cũng được Bộ Công an và Công an các đơn, địa phương tập trung triển khai thực hiện.

Những thủ đoạn lừa đảo không mới, báo chí, truyền thông và cả chính quyền liên tục cảnh báo, Công an vào cuộc điều tra... nhưng danh sách nạn nhân vẫn dài ra mỗi ngày. Nguyên nhân chủ yếu do sự chủ quan và thiếu cảnh giác, đề phòng của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đã khiến cho các đối tượng phạm tội vẫn có thể dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 17/2, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) và Công an các địa phương triệt xóa đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 23 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong số các bị can trên, 22 người bị tạm giam, 1 được tại ngoại do đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Theo cơ quan Công an, tháng 3/2022, 2 người Trung Quốc câu kết với một số người Việt thành lập công ty trá hình đặt trụ sở tại tỉnh Svayrieng, Camphuchia. Hoạt động của họ chủ yếu trên không gian mạng, với gần 100 người Việt làm việc tại đây. Các nhân viên được bố trí ăn ở, làm việc cùng nhau trong một tòa nhà. Họ tổ chức lừa đảo người Việt theo kịch bản, lời thoại đã soạn sẵn.

Các nhóm này chia nhau nhiệm vụ để hoạt động. Trong đó, nhóm Telesale có khoảng 20 người, có nhiệm vụ gọi điện, nhắn tin qua Facebook để dụ dỗ, lôi kéo các bị hại tham gia làm việc online. Khi người bị hại đồng ý, nhóm này chuyển số điện thoại, tài khoản Facebook của bị hại cho nhân viên sale. Nhóm sale có khoảng 80 người được chia thành nhiều tổ; mỗi tổ có 3 nhân viên; mỗi người quản lý một máy tính và một điện thoại. Sau đó, khi bị hại chuyển số tiền nhỏ để thực hiện nhiệm vụ đặt cược thì được trả tiền về tài khoản (gọi là nuôi khách). Khi bị hại chuyển số tiền lớn thì chúng đưa ra nhiều lý do để không cho bị hại rút tiền và yêu cầu tiếp tục nộp thêm tiền. Đến khi bị hại không còn khả năng nộp thêm tiền thì chúng chặn liên lạc, khóa tài khoản. Với phương thức thủ đoạn trên, nhóm tội phạm đã lừa đảo nhiều người Việt Nam với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ngày 7/2, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam Hoàng Thị Điệp (SN 1996, ngụ tỉnh Cao Bằng) để điều tra về hành vi “Môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”. Quá trình điều tra xác định, khoảng tháng 8/2021, khi làm việc tại một công ty ở Campuchia, Điệp được người quản lý công ty tên "An Na" đặt vấn đề đăng bài tuyển người Việt Nam sang Campuchia làm việc trên máy tính, hướng dẫn khách hàng tham gia cờ bạc online.

Sau đó, Điệp đã sử dụng Facebook cá nhân đăng bài tuyển dụng nhân viên làm việc tại khu vực Casino Mộc Bài với mức lương thử việc 900 USD/tháng, tăng đến khi đạt mức 1.500 USD/tháng… Sau đó, đối tượng đã lập nhóm chat và dụ dỗ được những người lao động rồi đưa vượt biên trái phép sang Campuchia… Cơ quan điều tra xác định Điệp đã môi giới cho nhiều người xuất cảnh trái phép sang Campuchia, trong đó có 3 người xuất cảnh trái phép thành công và Điệp được trả công 15 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đường dây có số lượng hàng nghìn người, chủ yếu hoạt động khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong các đường dây này có nhiều công dân người Việt Nam. Các đối tượng sử dụng các ứng dụng, phương tiện hiện đại, hoạt động ẩn danh, khó truy vết. Các thủ đoạn lừa đảo của những nhóm đối tượng liên tục biến tướng về phương thức… Vì thế, người dân lưu ý tuyệt đối không tin theo bất cứ ai gọi điện đến mà đọc đầy đủ thông tin cá nhân mà tin đó là cơ quan chức năng. Thường cơ quan chức năng khi làm việc với người dân đều trực tiếp, việc liên hệ qua điện thoại chỉ để mời hoặc xác minh thông tin.

Cùng với đó, pháp luật quy định và có chế tài xử lý đối với hành vi xuất nhập cảnh trái phép đối với công dân Việt Nam. Vì thế, người dân và các gia đình có con em xuất cảnh để lao động cần chấp hành nghiêm quy định pháp luật của Việt Nam và nước sở tại. Ngoài ra, đối với người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài, dù đi theo chính ngạch hay tiểu ngạch để hoạt động phạm pháp tại nước ngoài thì cũng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóc gỡ các đường dây tội phạm xuyên quốc gia (Bài cuối)