Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, địa phương đã hoàn tất công tác lựa chọn SGK theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Đội ngũ cán bộ quản lý, GV đang được bồi dưỡng và hiện đã hoàn thành 6 mô-đun; còn lại 3 mô-đun thời gian tới sẽ hoàn thành, bảo đảm đội ngũ đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018.
Về cơ sở vật chất, thực hiện Quyết định 877 của UBND tỉnh, các điểm trường lẻ đã sáp nhập dần, tạo thuận lợi cho triển khai chương trình mới. Trang thiết bị dạy học còn khó khăn, nên tinh thần là kế thừa những thiết bị cũ và bổ sung thiết bị tối thiểu, cần thiết nhất để triển khai Chương trình GDPT 2018…
Về khó khăn, chia sẻ của ông Đỗ Tường Hiệp, Đắk Lắk thuộc miền núi, địa bàn rộng; có nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non, tiểu học. Các trường vùng thuận lợi cơ sở vật chất đáp ứng phần tối thiểu; nhưng trường vùng sâu, vùng xa thì còn nhiều khó khăn, đặc biệt thiết bị dạy học chỉ đáp ứng được một phần để triển khai chương trình mới. Với GV, địa phương đã bảo đảm được đội ngũ dạy ở tiểu học; còn GV dạy môn tích hợp, môn Âm nhạc ở THPT cần phải có sự chuẩn bị tiếp theo. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương, đặc biệt là vùng khó.
“Ngành Giáo dục sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh để có chủ trương đầu tư cơ sở vật chất; tăng cường xã hội hóa, đặc biệt trong kiểm định chất lượng và công nhận trường chuẩn quốc gia để huy động các nguồn lực cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ, tạo điều kiện thuận lợi để thầy cô biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, đáp ứng tốt nhất khi triển khai chương trình mới. Đẩy mạnh truyền thông để mọi người hiểu đổi mới chương trình, SGK là cần thiết, quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, cần sự vào cuộc của toàn xã hội để hỗ trợ cho công cuộc đổi mới này.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục gắn với đổi mới quản lý, dạy học, kiểm tra đánh giá… Phân cấp mạnh về quản lý, nêu cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục…” - ông Đỗ Tường Hiệp chia sẻ.
Cùng với nỗ lực của địa phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk mong muốn Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung chỉ tiêu biên chế sự nghiệp GD-ĐT còn thiếu; bổ sung biên chế GV Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật để bảo đảm số lượng GV thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu Chính phủ để triển khai Chương trình kiên cố hóa trường học, nhà công vụ GV giai đoạn 2021 - 2025. Với UBND tỉnh Đắk Lắk, mong tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mới và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch.
“Điều lo lắng nhất là những vấn đề phát sinh khi năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 10, lại thêm việc thay đổi với môn Lịch sử. Nhưng khó khăn ban đầu là không thể tránh khỏi. Tôi tin với sự quan tâm của các cấp quản lý, nỗ lực của tập thể nhà trường, rào cản sẽ được tháo gỡ dần và mọi việc sẽ ngày càng tốt lên” - thầy Nguyễn Bá Khương cho hay.