Trồng người

Bốn nguyên tắc cơ bản để chung sống trong gia đình nhiều thế hệ

Thanh Thuỷ {Ngày xuất bản}

(GDTĐ) - Chung sống trong gia đình nhiều thế hệ là việc không dễ. Nếu không đủ hiểu và cảm thông lẫn nhau thì gia đình sẽ gặp rất nhiều sóng gió và tổn thương tình cảm.

song-chung-bo-me-.jpg
Bốn nguyên tắc cơ bản để chung sống trong gia đình nhiều thế hệ.

Hãy tuân thủ bốn nguyên tắc cơ bản sau để giữ vững hoà khí, giảm áp lực và tránh mâu thuẫn không cần thiết.

Nguyên tắc thứ nhất: Thấu hiểu tâm lý người lớn tuổi

Người lớn tuổi vốn có những quan niệm về cuộc sống đã hình thành theo kinh nghiệm trong nhiều năm cuộc đời. Trong đó, có nhiều điểm không phù hợp với cuộc sống của người trẻ hiện đại. Tuy nhiên, người lớn tuổi sẽ dùng những quan điểm của mình để phủ nhận hoặc áp đặt lên người trẻ. Do đó, trong sinh hoạt thường ngày, cuộc sống chung rất dễ gặp các xung đột, mâu thuẫn.

Kiến thức của người lớn tuổi thường đều hình thành qua thời kỳ nghèo khó và khốn đốn. Do đó, việc sử dụng tiền bạc sẽ theo hướng tiết kiệm quá hoặc vung tay quá nhằm bù đắp những gì mà ông bà chưa làm được cho con cái khi nghèo khó. Việc yêu chiều con cái cháu chắt cũng là xuất phát từ quan điểm bù đắp thời kỳ khốn khó mà ra.

Những trải nghiệm khốn khó cũng đưa đến một lối sống thiên về trách nhiệm, lý trí, không chú ý tới những chi tiết tâm lý hay uốn nắn cháu chắt theo hướng nhẹ nhàng, khéo léo. Nhiều ông bà cũng không ủng hộ việc con cái nuôi dạy cháu theo các phương pháp hiện đại.

Do trải nghiệm cuộc đời nhiều khó khăn, cách giáo dục truyền thống từ xa xưa nên phần lớn các ông bà đều cư xử theo hướng khẳng định vị trí và quyền lực của mình là lớn nhất trong nhà. Ông bà có quyền sai trái nhưng con cái và cháu chắt thì phải chấp nhận việc đó.

Nguyên tắc thứ hai: Hãy chấp nhận tất cả những vấn đề của ông bà

Dù có sự khác biệt trong phong cách sống hay quan điểm về giáo dục, con cái cần phải chấp nhận tất cả những vấn đề của ông bà.

Thay vì đối đầu, cha mẹ cần chấp nhận để thích nghi và ứng xử khôn khéo để không gây ra các “cuộc chiến” làm tổn thương tình cảm gia đình. Khi cha mẹ đã thích nghi thì con cái cũng sẽ dần học cách thích nghi với phong cách sống của ông bà.

Nhất là đối với vấn đề nuôi dạy trẻ con. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong gia đình nhiều thế hệ. Nếu cha mẹ không cư xử khéo léo sẽ khiến ông bà chịu tổn thương, tức giận, còn con trẻ sẽ sinh ra tâm lý thiếu tôn trọng hoặc ỷ lại vào ông bà.

song-chung-me-chong-2.jpg
Ảnh minh hoạ.

Nguyên tắc thứ ba: Hãy khôn khéo trong mọi hành vi ứng xử

Trong bối cảnh sống chung nhiều thế hệ, nhu cầu cuộc sống và quan điểm sống của mỗi thế hệ đều khác nhau. Cần phải tìm được điểm dung hoà cho tất cả mọi người để ai cũng cảm thấy được “yên ổn” trong ngôi nhà của mình.

Cha mẹ hãy khôn khéo trong hành vi ứng xử để vừa giữ được sự tôn nghiêm cho người cao tuổi, vừa giữ được khoảng cách cần thiết để mọi người cùng tôn trọng cuộc sống của nhau.

Đối với việc nuôi dạy con trẻ, cha mẹ vẫn cần là người “giữ cương”, đặt ra những quy định trong nếp sống của trẻ phù hợp với những quy định chung của gia đình. Cha mẹ cũng cần thảo luận và thoả thuận với ông bà về các quy định trong việc sống chung giữa các thế hệ, nhất là quyền hạn của ông bà đối với việc giáo dục con trẻ.

Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, cha mẹ không nên thể hiện sự thiếu tôn trọng. Khi ông bà mắng hay nảy sinh quan điểm trái chiều, cha mẹ không nên trực tiếp cãi lại, không tranh luận lí lẽ với ông bà. Việc tranh cãi chỉ càng làm căng thẳng thêm mối quan hệ. Đợi tới lúc phù hợp, cha mẹ hãy phân tích, lý giải cho ông bà hiểu, rút kinh nghiệm dần.

Cha mẹ hãy lưu ý, cố gắng xử lý riêng các vấn đề của gia đình nhỏ, không phụ thuộc hay ỷ lại vào ông bà. Việc này sẽ giúp tạo khoảng cách an toàn để các thế hệ có sự thông cảm và tôn trọng cách sống của người kia.

Nguyên tắc thứ tư: Hãy nhân lên những niềm vui trong gia đình

Cha mẹ hãy nhớ rằng, sự hiện diện của mỗi thế hệ trong gia đình đều là sự hạnh phúc. Ông bà khoẻ mạnh, con trẻ được giáo dục tốt, cha mẹ làm ăn ổn định. Đó là sự may mắn của gia đình. Do đó, trong cuộc sống chung, cần nhân lên nhiều niềm vui, tăng thêm sự gắn bó tình cảm giữa mọi người bằng thái độ tôn trọng, hành động chăm sóc và sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ.

Cha mẹ hãy dạy con cách thể hiện cảm xúc, bày tỏ tình cảm của mình một cách thoải mái, cởi mở nhất. Nếu muốn tạo ra mối quan hệ tình cảm giữa con cái và ông bà, cha mẹ phải thể hiện cảm xúc với ông bà trước mặt con trẻ bằng các hình thức như chúc mừng sinh nhật hay tặng quà...

Những câu chuyện từ thời thơ ấu của cha mẹ là điều thú vị đối với con trẻ và cũng là kỷ niệm đầy trìu mến yêu thương của ông bà. Khi cùng nhau ôn lại kỷ niệm này, cả gia đình sẽ trở nên gần gũi hơn, gắn bó hơn và dễ cảm thông, chia sẻ với nhau hơn.

Cha mẹ hãy tạo điều kiện để con trẻ cùng làm việc chung với ông bà. Điều này khiến ông bà cảm thấy còn “có ích” cho con cháu, gần gũi với con cháu và không bị mặc cảm tuổi già.

Cha mẹ nên ghi nhớ rằng, cảm xúc của người lớn tuổi cũng giống như cảm xúc của con trẻ, cần phải được chú ý và chăm sóc, quan tâm thường xuyên. Khi các thành viên đều có sự thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông cho nhau thì các vấn đề xung đột trong quan điểm sống, cách sống sẽ dần dần được giải quyết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bốn nguyên tắc cơ bản để chung sống trong gia đình nhiều thế hệ