Kon Tum lại động đất liên tiếp từ đêm qua đến sáng nay.
Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định, động đất ở Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện hoặc thủy lợi hoạt động tích nước, tạo sức ép lên hệ thống đứt gãy bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.
Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài từ năm 2012 đến nay với hàng trăm trận. Hiện tượng này có thể kéo dài vài năm, thậm chí vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều (Viện địa vật lý ứng dụng), động đất kích thích có quy luật riêng của nó. Động đất có thể xảy ra dồn dập, sau đó yên ắng rồi có thể dồn dập, liên quan chặt chẽ đến chu trình tích nước của hồ chứa thủy điện.
Với động đất ở Kon Tum, PGS Cao Đình Triều cho rằng có thể xảy ra kịch bản như động đất kích thích ở sông Tranh 2. Động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 bắt đầu từ năm 2012, kéo dài đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Vì vậy, trong nhiều tháng tới, hoặc nhiều năm tới, Kon Tum vẫn sẽ ghi nhận các trận động đất.
Tuy nhiên, theo PGS Triều, một số nghiên cứu chỉ ra, động đất tự nhiên cực đại ở khu vực Kon Plông (Kon Tum) không vượt quá 5,5 độ richter. Vì vậy, động đất kích thích cực đại ít khả năng vượt quá 5 độ richter.
PGS Triều cũng lưu ý, nền địa chất tại khu vực xảy ra động đất ở Kon Plông bị phong hóa khá mạnh nên người dân cảm nhận được rung chấn khá rõ do động đất gây ra, kèm theo những tiếng nổ trong lòng đất.
Để theo dõi và nghiên cứu động đất ở khu vực này, một hệ thống các trạm quan trắc đang được thiết lập, nhằm cung cấp thêm các số liệu về động đất trong khu vực.