Bức tranh xã hội học tập tại châu Á

26/06/2023, 08:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những năm qua, các quốc gia châu Á đã đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập và nhận thức về học tập suốt đời trong bối cảnh già hóa dân số.

“Khi dạy những học viên trưởng thành, tôi thấy mình giống huấn luyện viên nhiều hơn. Cách tiếp cận của tôi là cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề và nó mang lại tính hợp tác cùng hiệu quả cao”, cô Ismail chia sẻ.

Xây dựng xã hội học tập

Bức tranh xã hội học tập tại châu Á ảnh 2

Nhật Bản đặt mục tiêu trở thành quốc gia dựa trên giáo dục.

Những năm qua, Trung Quốc đi đầu trong chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi xanh. Đến năm 2030, ước tính 30% lực lượng lao động ở Trung Quốc có thể phải thay đổi công việc do công nghệ can thiệp và làm thay phần của con người.

Để giúp người dân duy trì công việc hiệu quả, từ năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng hệ thống đào tạo nghề suốt đời và coi đây là một trong những chính sách ưu tiên quốc gia. Năm 2022, Luật Giáo dục Nghề nghiệp được sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để khuyến khích và hỗ trợ phát triển các kỹ năng suốt đời cho tất cả mọi người.

Cùng năm, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo thành lập trường đại học dành cho người già nhằm đối phó với tình trạng già hóa dân số và xây dựng xã hội học tập suốt đời. Trường dành cho “sinh viên” từ 60 tuổi trở lên với chương trình đào tạo trải rộng từ ngoại ngữ, kỹ năng máy tính, âm nhạc, khiêu vũ cho đến nhiếp ảnh, hội họa, thể thao...

Trường được thành lập trong bối cảnh Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Trung Quốc ước tính, nước này có hơn 76 nghìn trung tâm giáo dục dành cho người cao tuổi với hơn 14 triệu người đăng ký.

Điều đó cho thấy người cao tuổi hiện nay có thể chất tốt hơn, tuổi thọ kéo dài và có mong muốn tiếp tục được học tập và cống hiến cho xã hội. Mô hình học tập dành cho người lớn tuổi cũng có thể trở thành hình mẫu, động lực để thanh, thiếu niên hay người trưởng thành tiếp tục rèn luyện, phấn đấu sau khi rời ghế nhà trường.

Nhật Bản, quốc gia có tốc độ già hóa dân số cao, đã và đang thực hiện mục tiêu trở thành xã hội học tập, một quốc gia dựa trên giáo dục. Việc xây dựng xã hội học tập ở Nhật Bản nhằm đáp ứng 4 yêu cầu cụ thể gồm cập nhật kiến thức, kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội; khắc phục các tác động tiêu cực của một xã hội vị văn bằng; khắc phục sự phân rã giáo dục tức là tình trạng mất đi sự liên kết cần thiết giữa ba môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và cộng đồng; đáp ứng các yêu cầu học tập của một xã hội già hóa.

Không chỉ ngành Giáo dục Nhật Bản thực hiện mục tiêu trên mà các cơ quan chức năng, ban ngành đều chung tay đóng góp. Đơn cử, Bộ Kinh tế và Công Thương xây dựng các chương trình nâng cao hiểu biết cho người dân về công nghệ; Bộ Môi trường triển khai chương trình về giáo dục môi trường, sinh hoạt câu lạc bộ về môi trường...

Nhận thức hạn chế về học tập suốt đời

Bức tranh xã hội học tập tại châu Á ảnh 3

Xây dựng xã hội học tập là ưu tiên tại Singapore.

Nhìn chung, những năm qua, nhận thức về học tập suốt đời tại nhiều quốc gia châu Á đã được nâng cao nhưng việc triển khai xây dựng xã hội học tập vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, ngay cả ở những quốc gia đi đầu như Singapore.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận thấy xây dựng xã hội học tập không phải điều thu hút học viên trong độ tuổi lao động và việc lôi kéo học viên trong giai đoạn đầu và giữa sự nghiệp tham gia học tập là khó khăn. Thông thường, những người quan tâm đến việc học tập suốt đời có thâm niên làm việc nhiều năm, sắp hoặc đã về hưu.

Đơn cử, trong lớp học của GS Jonathan Sim, học viên có độ tuổi trải dài từ 20 đến 70, song số lượng học viên đã về hưu chiếm tỷ lệ cao hơn. Các khóa học phối hợp tổ chức với hội người cao tuổi cũng nhận được số lượng đơn đăng ký nhiều hơn, tỷ lệ cạnh tranh cao hơn.

Ngoài ra, tại Singapore cũng như nhiều quốc gia châu Á khác vẫn duy trì quan niệm học tập đi đôi với bằng cấp. Do đó, việc tham gia các khóa học ngắn hạn hoặc để lấy chứng chỉ không cấp bằng vẫn khó được người dân ủng hộ. Hay tại Nhật Bản, xã hội vẫn coi trọng giáo dục chính quy và coi nhẹ giáo dục thường xuyên.

Để tháo gỡ phần nào các thách thức, năm 2018, Đại học Quốc gia Singapore thông báo tất cả sinh viên tốt nghiệp vẫn được phép theo học tại trường trong ít nhất 20 năm tới.

Điều này đồng nghĩa sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện tham gia khoảng 700 khóa học giáo dục thường xuyên do trường tổ chức mà không cần xét tuyển. Điều kiện học tập rộng mở đã thu hút khoảng 300.000 cựu sinh viên trở lại học tập. Nhiều người nhận được trợ cấp từ trường hoặc học bổng của chính phủ.

Chủ tịch Đại học Quốc gia Singapore Tan Eng Chye cho biết: “Sẽ mất thời gian để xây dựng tư duy học tập suốt đời cho toàn xã hội nhưng đã đến lúc các trường đại học ở Singapore và các quốc gia khác đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về học tập suốt đời. Các tổ chức giáo dục cần phải điều chỉnh, làm cho khóa học trở nên dễ tiếp cận hơn và sáng tạo các phương thức giảng dạy phù hợp với nhu cầu của người học”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/buc-tranh-xa-hoi-hoc-tap-tai-chau-a-post644148.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/buc-tranh-xa-hoi-hoc-tap-tai-chau-a-post644148.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bức tranh xã hội học tập tại châu Á