Năm nào cũng có mặt ở Hồ Tây để thu gom rác của người dân sau khi thả cá, sư thầy Thích Tịnh Giác, chùa Phúc Sơn, Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Túi nilon có thể tái sử dụng. Mọi người sau khi thả cá có thể mang về, vệ sinh sạch để sử dụng lại. Điều này bớt đi công việc dọn dẹp cho người khác, tránh ô nhiễm môi trường".
"Năm nay đỡ hơn so với mọi năm khi lượng tro vứt xuống hồ ít hơn. Trên bờ tôi thu được những bọc tro để nguyên, bát hương cũng để dẹp bên cạnh chứ không còn vứt thẳng xuống hồ. Đấy cũng là một điều rất tốt", thầy Thích Tịnh Giác cho biết thêm.
Cũng trong ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời, nhiều gia đình đưa con nhỏ đi cùng để hiểu thêm về nét văn hóa này.
Chị Phùng Thủy Tiên, phố Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi đưa con cùng đi thả cá chép với mong muốn để cho bé biết thêm về phong tục tập quán của Tết Nguyên đán. Ngày Tết bây giờ gần như hiện đại hóa hết, mọi người không còn tự tay làm như xưa nên một số các phong tục cơ bản tôi muốn cho con biết để cháu hiểu hơn".
Vào ngày ông Công ông Táo, mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con cá chép sống được thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem những con cá này phóng sinh ở sông, ao, hồ... để tiễn ông Công ông Táo về trời.
Cũng có người chọn ốc để phóng sinh trong ngày này.
Việc thả cá chép hay phóng sinh cá, ốc… là một nét văn hóa dân tộc, rất khó để có thể thay thế bằng cá giấy hóa vàng hay cá đóng oản.
Thế nhưng, việc lựa chọn cá để phóng sinh hay đồ hóa vàng sau khi bao sái bát hương cuối năm cũng cần có cái nhìn mới văn minh hơn./.