Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG
Đã có hướng dẫn nhưng vẫn chờ
Trước ý kiến của các ĐB về công tác chỉ đạo, vốn đối ứng của địa phương cao, chậm sửa đổi, ban hành văn bản, chậm tiến độ… của các chương trình mục tiêu quốc gia, các thành viên Chính phủ đã đăng đàn giải trình.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã giải trình về hệ thống văn bản cồng kềnh do mỗi chương trình đều xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu, cộng ba chương trình nên mục tiêu rất nhiều, được xác lập rất nhiều văn bản của các bộ, ngành.
“Dường như thiết kế chính sách của chúng ta chưa ổn, chúng tôi cũng nhận về phần mình trách nhiệm trong việc thiết kế chính sách này” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng đây là nhiệm kỳ thứ hai chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai và công việc đòi hỏi cao hơn, khó hơn.
“Không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà còn đòi hỏi giảm nghèo về các chiều thiếu hụt. Cũng không chỉ giảm nghèo đơn thuần mà yêu cầu giảm nghèo đa chiều nhưng cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn, cuối cùng là đòi hỏi phải bền vững” - ông Dung giải thích.
Sau khi nói về việc có quá nhiều văn bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đến việc phân cấp, phân quyền hay các dự án còn manh mún, mục tiêu cao nhưng nguồn vốn hạn hẹp… “Nói thật là chưa đến nơi đến chốn. Dưới thì chờ trên, trên thì bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới sợ. Điều này dẫn đến hiện tượng thông tư của bộ hướng dẫn rồi nhưng phía dưới lại đề nghị “hướng dẫn của hướng dẫn”” - ông Dung nói.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay hiện cơ bản đã hoàn thành tất cả văn bản hướng dẫn của Trung ương, gồm 34 văn bản quy phạm pháp luật, 75 văn bản thông thường.
Ông cũng rút kinh nghiệm về việc ban hành các văn bản còn chậm, trong đó có văn bản của Bộ KH&ĐT. Theo ông, khối lượng văn bản rất lớn, nhiều vấn đề phức tạp, có những vấn đề mới liên quan đến nhiều lĩnh vực, cạnh đó các chương trình cũng không được xem xét và phê duyệt tại một thời điểm. “Về tổng thể chung, việc này dẫn đến khó tránh khỏi sự chồng chéo, bất cập” - ông Dũng nhấn mạnh.
Sẽ thí điểm trộn 3 chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn Phát biểu giải trình sau đó tại phiên thảo luận về ba chương trình mục tiêu quốc gia chiều 30-10, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn QH đã có giám sát tối cao về các chương trình này. Ông cũng cảm ơn đoàn giám sát đã làm việc tích cực, trách nhiệm, thực chất, chỉ ra những việc mà những người trong cuộc cũng không nghĩ tới được. “Đây là những thông tin rất có giá trị...” - Phó Thủ tướng nói và nêu ra bảy vấn đề mà các ĐBQH quan tâm thảo luận. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG Về phân cấp, Phó Thủ tướng nói các văn bản, chính sách chỉ đạo đã tuân thủ nguyên tắc và mang lại kết quả, địa phương cũng biết làm thế nào là tốt nhất. “Giải pháp này giúp các địa phương có thể giải quyết được một việc mà như Thủ tướng hay nói là “làm cho ra tấm ra miếng”” - Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng thông tin sắp tới sẽ trình cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm mỗi địa phương chọn một huyện để “trộn” vốn ba chương trình và chuyển đổi vốn sự nghiệp dùng không hết sang thành vốn đầu tư phát triển. “Việc này sẽ tháo một nút thắt rất lớn” - Phó Thủ tướng nói và cho hay sở dĩ chọn phương thức thí điểm là bởi việc này vướng vào xung đột trực tiếp giữa Luật Ngân sách và Luật Đầu tư. Về chuyển vốn, Phó Thủ tướng nói nếu không chuyển thì sẽ bị cắt khoảng 13.000 tỉ đồng vốn, trong khi đó nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp. “Mục tiêu lớn mà cắt khoản này thì “băn khoăn, lo lắng”, còn bổ sung vốn của giai đoạn sau thì gần như không thể” - Phó Thủ tướng chia sẻ và đề nghị các ĐB xem đây là một trường hợp hết sức đặc biệt. Về điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng hiện còn 10 vấn đề tồn tại, Phó Thủ tướng nói sẽ giải quyết trong cơ chế đặc thù trình QH. Đặc biệt, về vấn đề giải ngân, ông Trần Lưu Quang nói điều quan trọng hơn giải ngân là chất lượng đầu tư, chất lượng hỗ trợ. “Chúng ta đang nghĩ tới việc tiêu tiền bởi vì tiêu không được. Giải pháp chúng tôi quan tâm là cùng ĐB, địa phương điều chỉnh chính sách cho hợp lý, song song đó là giám sát, tuyên truyền để có chất lượng tốt hơn, đúng với kỳ vọng chúng ta mong muốn” - Phó Thủ tướng nói. NHÓM PV |