Lợi ích khi kiểm soát cáp quang biển
Cáp quang xuyên đại dương là “xương sống” của mạng viễn thông toàn cầu. Sự thay đổi quyền kiểm soát chúng phản ánh tốc độ phát triển nhanh chóng của các trung tâm dữ liệu dành cho điện toán đám mây và phân phối nội dung.
Lưu lượng truy cập giữa các trung tâm dữ liệu đang tăng nhanh chóng mặt, ước tính tăng 20 đến 30% mỗi năm. Nhưng chi phí mua dung lượng cáp ngày càng cao khi so với tốc độ tăng trưởng này. Nếu sở hữu cáp quang riêng, các tập đoàn có thể tiết kiệm tiền trả cho các công ty dịch vụ viễn thông.
Không chỉ giảm chi phí, sở hữu hệ thống cáp biển riêng còn mở rộng khoảng cách giữa
Microsoft, Google hay Amazon với các đối thủ tiềm năng, góp phần nâng cao vị thế của các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ.
Ngoài ra, các tập đoàn cũng tích cực tham gia vào kế hoạch mở rộng dung lượng dữ liệu của cáp quang biển. Năm 2018, Facebook và Google đã đánh cược vào việc mở rộng băng tần truyền diễn của các sợi quang bằng cách thêm tín hiệu ở hàng trăm bước sóng mới để thu được 24 terabit thông qua một sợi cáp duy nhất.
Hai ông lớn cũng đặt cược vào một cách tiếp cận khác là tăng số lượng sợi cáp trong cáp. Thông thường một sợi ống thường có từ 6 đến 8 sợi quang. Nhưng các nhà phát triển tin rằng, nếu cải thiện khả năng truyền tải điện và bộ khuếch đại quang học sẽ cho ra đời thế hệ cáp mới, mang từ 16 đến 25 sợi quang.
Đơn cử, cáp ngầm Dunant của Google dài 64.000 km kết nối bãi biển Virginia, Mỹ, với Siant-Hilaire-de-Riez trên bờ biển Đại Tây Dương của Pháp. Tuyến cáp này có thiết kế ghép kênh phân chia không gian qua 12 cặp sợi quang với tổng công suất 250 terabit mỗi giây. Cáp xuyên Đại Tây Dương củaFacebook cũng sẽ mang 24 cặp sợi quang, mỗi cặp mang hơn 20 terabit mỗi giây và cho tổng công suất kỷ lục là 500 terabit mỗi giây.
Tuy nhiên, các tập đoàn công nghệ lớn không làm việc độc lập mà thường đầu tư phối hợp với các công ty dịch vụ viễn thông. Đơn cử, cáp quang do Facebook ủy quyền cho Tập đoàn NEC xây dựng. Hay tuyến cáp Marea được xây dựng năm 2017 do Microsoft, Facebook và Telxius, nhà mạng Tây Ban Nha, đồng sở hữu.
Việc chia sẻ băng thông giúp mỗi công ty đều có thể hoạt động trên nhiều sợi cáp, giữ cho các dịch vụ hoạt động ổn định trong trường hợp cáp bị đứt. Bởi lẽ hệ thống cáp biển hỏng khoảng 200 lần/năm. Việc sửa chữa cáp cần huy động nhiều nguồn lực, có thể kéo dài hàng tuần.
Đây cũng là cách để các tập đoàn công nghệ tránh rơi vào vai trò mới là “công ty viễn thông” vì họ có thể bị áp đặt hàng nghìn trang quy định luật pháp nếu tham gia vào lĩnh vực này.