Hiện tượng nhật thực lần này chỉ có thể được quan sát tại một khu vực rất nhỏ gồm một phần nhỏ của Đông Nam Á và Tây Bắc Australia. Tại Việt Nam, chỉ một số tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam có thể quan sát được, với tỷ lệ che phủ khá thấp.
Cụ thể, người quan sát tại TP. Hồ Chí Minh sẽ quan sát được hiện tượng này từ 10h36 tới 12h06 trưa ngày mai, với cực đại là 11h20 khi tỷ lệ che phủ đạt cao nhất là 12,8% (tức là chỉ 12,8% đĩa sáng Mặt Trời bị che khuất bởi Mặt Trăng).
Bản đồ của Timeanddate.com về các khu vực có thể quan sát nhật thực. Bạn có thể thấy chỉ khu vực phía Nam của Việt Nam có thể theo dõi hiện tượng này.
Để quan sát nhật thực, về mặt không gian bạn chỉ cần một bầu trời quang mây và góc nhìn đủ để nhìn thấy Mặt Trời, tức là dễ dàng hơn nhiều so với khi quan sát những hiện tượng như mưa sao băng hay theo dõi các hành tinh qua kính thiên văn.
Dù vậy, để quan sát nhật thực một cách an toàn nhất, không gây hại cho đôi mắt của mình, bạn nên chuẩn bị cho mình như thiết bị phù hợp: kính lọc sáng dành cho mắt, lớp lọc chuyên dụng dành cho kính thiên văn (nếu quan sát bằng kính thiên văn).
Hãy đọc bài sau để nắm rõ hơn về các phương pháp an toàn trong quan sát nhật thực: Cách an toàn để quan sát nhật thực.
Nhật thực là hiện tượng hiếm đối với người quan sát ở Việt Nam. Trong khi người quan sát ở các địa phương phía Nam (chẳng hạn như TP. Hồ Chí Minh) sẽ có cơ hội quan sát được 2 lần nhật thực tương tự trong thập kỷ này vào các năm 2026 và 2029; thì với khu vực phía Bắc (chẳng hạn như Hà Nội) có thể nói rằng sẽ không có nhật thực nào khác trong thập kỷ này bởi hai lần nhật thực vào tháng 7 năm 2028 và tháng 1 năm 2030 sẽ có độ che phủ rất không đáng kể. Nhật thực đáng chú ý tiếp theo với người ở Hà Nội và các tỉnh thành ở khu vực phía Bắc sẽ diễn ra vào tháng 5 năm 2031 - tức là 8 năm nữa.
VACA