Sức khỏe

Cách ăn cơm thoải mái không lo tăng đường huyết

03/07/2024 08:26

Chuyên gia nêu những cách ăn cơm thoải mái không lo tăng đường huyết.

Theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi, nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện 198, nhiều người tiểu đường không dám ăn cơm vì sợ cơm sẽ làm tăng đường huyết, mà không biết rằng chính hành động này lại khiến người tiểu đường đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng và hạ đường huyết quá mức, thậm chí dẫn đến hôn mê sâu và tử vong.

Người tiểu đường vẫn cần duy trì đủ năng lượng với 4 nhóm chất cơ bản là đạm, tinh bột, chất béo và vitamin. Người đường huyết cao vẫn có thể ăn cơm hàng ngày, nhưng cần ăn lượng vừa đủ và chỉ nên ăn phù hợp với thể trạng cơ thể, dựa trên lời khuyên của bác sĩ.

Thông thường bệnh nhân tiểu đường cần cắt giảm khoảng 10% tinh bột so với nhu cầu năng lượng bình thường mà cơ thể cần. Bù lại họ nên tăng 10% khẩu phần đạm.

Người tiểu đường vẫn có thể ăn cơm, nhưng để an toàn cho sức khỏe nên ghi nhớ thứ tự ăn đó là ăn rau trước, ăn thức ăn và cơm sau.

Lượng chất xơ trong rau sẽ điều chỉnh tốc độ, làm chậm quá trình hấp thu đường vào cơ thể. Nhờ vậy mà sự phóng thích lượng đường hấp thu vào máu sau ăn có khuynh hướng xảy ra chậm hơn, tránh việc đường huyết tăng cao sau khi ăn.

Người tiểu đường vẫn có thể ăn cơm, nhưng nên ghi nhớ thứ tự ăn đó là ăn rau trước, ăn thức ăn và cơm sau. (Ảnh minh hoạ)
Người tiểu đường vẫn có thể ăn cơm, nhưng nên ghi nhớ thứ tự ăn đó là ăn rau trước, ăn thức ăn và cơm sau. (Ảnh minh hoạ)

Người bệnh tiểu đường nên ăn gì?

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong phương pháp điều trị bệnh tiểu đường. Để giữ mức đường huyết ổn định, người bệnh cần kế hoạch ăn uống hợp lý. Một bữa ăn tốt cho người bệnh tiểu đường sẽ giàu dinh dưỡng, lượng tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ vừa đủ, món ăn được chế biến ngon miệng, phù hợp với khẩu vị và thu nhập của người bệnh.

Nhóm đường bột

Nhóm đường bột hay còn gọi carbohydrate, cung cấp năng lượng chính cho hệ thống thần kinh trung ương và các cơ quan trong cơ thể. Carbohydrate cũng là thành phần cấu tạo nên tế bào và các mô.

Nhóm đường bột được chia ra 2 loại bao gồm: carbohydrate đơn giản và carbohydrate phức tạp.

Carbohydrate cấu trúc đơn giản nên được tiêu hóa và hấp thụ nhanh hơn. Carbohydrate đơn giản có trong các loại thực phẩm như: sữa, đường, bánh, kẹo, nước ngọt, trái cây, siro… Người tiểu đường khi ăn carbohydrate đơn giản khiến lượng đường huyết tăng nhanh hơn sau ăn.

Carbohydrate phức tạp có thời gian tiêu hóa chậm hơn, chúng có trong các thực phẩm như: lúa mì, gạo, khoai, ngô, đậu, gạo lứt, ngũ cốc, bánh mì nguyên cám. Khi ăn các thực phẩm carbohydrate phức tạp, cơ thể sẽ tiêu hóa chậm hơn, do vậy đường huyết tăng sau ăn cũng chậm hơn.

Nhóm đạm

Đạm hay còn gọi protein, được tìm thấy khắp cơ thể, trong cơ, xương, da, tóc, hầu như ở mọi bộ phận của con người. Protein tạo nên các enzym cung cấp năng lượng cho nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể. Có ít nhất 10.000 loại protein khác nhau tạo nên cơ thể con người.

Đạm có ở thịt động vật và các loại thực vật, người bệnh có thể chọn thực phẩm có chứa đạm lành mạnh. Đạm động vật có trong các thực phẩm như: gia cầm (gà, vịt), hải sản (tôm, cá, cua…), trứng, các sản phẩm làm từ sữa, thịt đỏ (bò, heo, cừu, dê…). Người bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn thịt đỏ và các thực phẩm đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội…

Đạm thực vật có trong các thực phẩm như: đậu, hạt (bí ngô, hạnh nhân, óc chó, hướng dương, mè, hạt chia, hồ đào…), ngũ cốc nguyên hạt (lúa mì, gạo, kê, yến mạch, kiều mạch…), đậu phụ, bắp, bông cải xanh, măng tây, atisô.

Lưu ý, trong thực phẩm không chỉ chứa protein còn chứa các chất khác như tinh bột, đường, chất béo. Do đó, việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu protein sẽ tăng đường huyết.

Nhóm chất béo

Cơ thể sử dụng chất béo làm nguồn nhiên liệu, dạng dự trữ năng lượng chính trong cơ thể.

Chất béo có nhiều chức năng quan trọng khác nên trong chế độ ăn uống cần có một lượng chất béo nhất định cung cấp cho cơ thể hoạt động bình thường.

Tuy nhiên ăn quá nhiều chất béo hoặc ăn chất béo không lành mạnh có thể gây hại cho sức khỏe. Người tiểu đường nên nạp tỉ lệ năng lượng chất béo từ 20%-35% trên tổng số năng lượng.

Nhóm rau

Nhóm rau hay còn gọi là nhóm chất xơ, thực phẩm tốt cho tất cả mọi người đặc biệt với bệnh nhân tiểu đường. Người tiểu đường nên ăn từ 30-40 gam chất xơ mỗi ngày.

Hoa quả

Trong trái cây có đường fructose làm tăng đường huyết chậm hơn sucrose (đường mía). Do đó, bệnh nhân tiểu đường có thể ăn được trái cây.

Ăn trái cây giúp thỏa mãn sở thích ăn ngọt cho người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên trái cây là thực phẩm có khả năng gây tăng đường huyết khi ăn nhiều. Do vậy, người bệnh cần lựa chọn các loại trái cây ít ngọt, số lượng ăn bằng một nắm tay. Nên chọn trái cây có màu đậm vì chứa nhiều vitamin, chất khoáng.

Như Loan

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/cach-an-com-thoai-mai-khong-lo-tang-duong-huyet-ar881021.html
Copy Link
https://vtc.vn/cach-an-com-thoai-mai-khong-lo-tang-duong-huyet-ar881021.html
Bài liên quan
Tiểu đường và giải pháp hỗ trợ phòng ngừa, điều trị tận gốc
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường hiện nay không còn xa lạ với bất kỳ ai, đây chính là sát thủ thầm lặng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của con người.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách ăn cơm thoải mái không lo tăng đường huyết